Ngày 9/11, Quốc hội Việt Nam đã thảo luận về Luật Nhà giáo – liên quan đến các vấn đề giáo dục. Truyền thông nhà nước đưa tin, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại tổ Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội: “Nhà nước sẽ phổ cập giáo dục, tiến dần từ tiểu học đến trung học, các cháu đến tuổi là được đến trường”.
Đáng chú ý, ông Tô Lâm đã cam kết: “Tiến tới, Nhà nước bỏ học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi đi học. Tiến bộ là phải như vậy!”. Vẫn theo Tổng Bí thư Tô Lâm, điều kiện Việt Nam hiện nay đã tương đối thuận lợi để thực hiện mục tiêu này.
Việc đầu tư cho giáo dục sẽ mang lại lợi ích lâu dài về mọi mặt, trên mọi lĩnh vực đối với tất cả các quốc gia. Xu hướng chung hiện nay, việc giáo dục miễn phí trên thế giới cũng như khu vực Asean đã và đang là tương đối phổ biến.
Qua tìm hiểu, phóng viên của thoibao được biết, từ trước đến nay, Nhà nước Việt Nam cũng đã có chủ trương giáo dục miễn phí và nuôi học sinh. Tuy nhiên, chủ trương này chỉ mới được áp dụng trong phạm vi hẹp. Trước năm 1989 cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện giáo dục miễn phí cho tất cả trẻ em ở cấp tiểu học. Mọi học sinh tiểu học tại trường công lập không phải đóng học phí.
Ở cấp trung học cơ sở, kể từ năm 2006, Nhà nước đã thực hiện chính sách miễn học phí đối với học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn thu thêm các khoản thu ngoài học phí, như phí học thêm, bảo hiểm y tế, và các khoản đóng góp khác…
Còn ở cấp trung học phổ thông, từ năm 2020 cho đến nay, Nhà nước cũng đã bắt đầu triển khai chính sách miễn học phí đối với học sinh cấp học này, nhưng giới hạn chỉ ở các trường công lập. Tuy nhiên, có sự phân biệt tùy vào hoàn cảnh, và khu vực địa lý khác nhau có thể sẽ được hỗ trợ thêm.
Về chính sách Nhà nước nuôi học sinh, cho đến nay Nhà nước mới chỉ hỗ trợ cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa; các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; hay học sinh khuyết tật. Tại các trường nội trú, Nhà nước cung cấp cho học sinh nơi ở, ăn uống, và các khoản trợ cấp để đảm bảo các em có thể tiếp tục học hành ở mức tối thiểu. Đồng thời nhà nước cũng triển khai các chương trình cấp sách vở miễn phí cho các đối tượng kể trên, để đảm bảo các em không thiếu sách vở và dụng cụ học tập.
Tóm lại, chính sách giáo dục miễn phí và Nhà nước nuôi học sinh ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bước đầu, còn rất sơ khai, và chưa đạt được mức của nền giáo dục chất lượng. Chủ yếu do vấn đề tài chính của Nhà nước chưa có khả năng cung cấp.
Nhìn sang các quốc gia láng giềng của Việt nam, ví dụ: Vương quốc Thái Lan. Được biết, từ năm 2000, Nhà nước Thái lan đã chính thức miễn phí giáo dục toàn bộ cho học sinh 12 năm (kể cả học nghề). Đồng thời, Nhà nước chi trả tiền cho tất cả các chi phí: sách vở, cặp sách, đồng phục (3 loại khác nhau), phụ huynh học sinh ở Thái Lan không phải trả bất kỳ chi phí gì, trừ tiền cho con ăn quà. Kể cả bữa cơm trưa của học sinh cũng được Nhà nước lo.
Đây chắc chắn sẽ là giấc mơ của các bậc cha mẹ học sinh ở Việt Nam, bởi lo chi phí học hành cho con em họ là một gánh nặng, với vô vàn các khoản phụ thu vô lý, nhưng nếu phụ huynh không đóng, thì sẽ không… được yên.
Tuy nhiên, công luận cũng bày tỏ sự hoài nghi về những phát biểu, hứa hẹn quá nhiều của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra quá nhiều vấn đề mang tính dàn trải, không có trọng tâm, theo lối bạ đâu nói đấy, hoàn toàn không có các giải pháp cũng như chương trình cụ thể để biến thành hiện thực.
Trà My – Thoibao.de