Ngày 22/1, BBC Tiếng Việt có bài: “Nghị định 168 xử phạt vi phạm giao thông: gây ra nhiều hệ lụy, bị đặt dấu hỏi về tính hợp pháp”.
Theo đó, BBC cho biết, sau hơn nửa tháng triển khai nghị định mới về xử phạt giao thông, các thành phố lớn tại Việt Nam đã ghi nhận kẹt xe nghiêm trọng kéo dài từ sáng đến tối.
Khắp nơi ở 2 thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội, tình trạng kẹt xe đang diễn ra ngày một nghiêm trọng kể từ khi chính sách mới được áp dụng vào ngày 1/1.
Trong các bức ảnh dòng người ùn tắc hàng cây số trong bụi khói, người ta còn thấy các xe cấp cứu đang hú còi bất lực. Nhiều người nói rằng họ không dám tiến lên vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cấp cứu, do sợ bị phạt số tiền 18 – 20 triệu đồng.
BBC ghi nhận, ở rất nhiều giao lộ, cánh tài xế cùng với người dân chỉ ra tình trạng đèn tín hiệu giao thông chỗ chập chờn lúc xanh, lúc đỏ bất ngờ, chỗ đèn đỏ quá lâu, đèn xanh chỉ 2 giây, chỗ thì chỉ có đỏ, chờ mãi không thấy xanh. Các dòng xe đều không dám đi trong những trường hợp đó vì mức phạt quá cao.
Một tài xế có 7 năm kinh nghiệm tên Tấn Nguyễn cho biết, không chỉ mức phạt cao mà quy định mới còn giới hạn giờ chạy xe của tài xế mỗi ngày không quá 10 tiếng, và cứ chạy 4 tiếng là phải nghỉ 15 phút, gây thêm khó khăn.
BBC cho biết thêm, Singapore là một trong những quốc gia được nhiều người đưa ra so sánh. Theo báo Lao Động, hành vi vượt đèn đỏ ở nước này bị phạt tiền tối đa 400 SGD (gần 7,5 triệu đồng) với xe máy, và 500 SGD (9,3 triệu đồng) với xe hơi. Mức phạt này chưa đến 0,5% tổng thu nhập bình quân năm của người dân nước này (hơn 79.000 USD/năm).
Trong khi đó, theo báo Nhân Dân, ở Việt Nam, mức phạt mới cho hành vi vượt đèn đỏ với xe máy tối đa là 10 triệu đồng, và với xe ô tô là 20 triệu đồng. So với thu nhập bình quân đầu người năm 2024 vào khoảng 4.500 USD/năm (112.500.000 đồng/ năm, khoảng 7,7 triệu/ tháng), tương đương mức phạt xe máy là 8,8% và xe hơi là 17,7% tổng thu nhập/ năm.
Mức này cao hơn thu nhập trung bình tháng của người dân Việt Nam.
Theo BBC, một vấn đề nữa là chế tài theo Nghị định 168 cần tham khảo nguyên tắc được quy định tại Luật Xử phạt Vi phạm Hành chính 2012 (sửa đổi 2020) và Điều 4 Nghị định 118/2021 hướng dẫn luật này.
Cụ thể, khoản 3, Điều 4 Nghị định 118 hướng dẫn Luật Xử phạt Vi phạm Hành chính quy định mức xử phạt phải căn cứ đầy đủ 3 yếu tố gồm tính chất, mức thu nhập và mức độ giáo dục, răn đe hợp lý của việc áp dụng phạt.
Theo đó, thì tùy vào mức độ mà có các mức phạt, đồng thời những vi phạm đơn giản thì có thể cảnh cáo.
Vẫn theo BBC, vấn đề kẹt xe được hàng loạt các tờ báo trong nước ghi nhận cả sáng, trưa, chiều và tối.
Một trong những chủ đề được thảo luận nhiều là hiện tượng đèn giao thông bất thường, như đèn đỏ bất thình lình chuyển sang đèn xanh, hoặc đèn xanh chỉ có 2 giây trong khi đèn đỏ tới 100 giây, khiến các lái xe không ai dám đi khi đèn chuyển xanh.
Ngay cả chuyện nhường đường cho xe cứu thương cũng trở thành một vấn đề. Theo phản ánh của giới tài xế xe hơi, mức phạt vượt đèn đỏ lên tới 18 – 20 triệu đồng, trong khi nếu không nhường đường cho xe cứu thương, họ chỉ bị phạt 6 – 8 triệu đồng.
BBC đã dẫn lời Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, người dân có thể vượt đèn đỏ để nhường đường mà không bị xử phạt hành chính.
BBC cho hay, trong năm 2024, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết phân bổ 85% nguồn thu xử phạt giao thông trong năm 2023, tương ứng 5.307 tỷ đồng, cho Bộ Công an.
Bộ Công an cũng đang soạn thảo một nghị định, theo đó họ sẽ được hưởng 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và 30% từ đấu giá biển số xe.
Xuân Hưng – thoibao.de