Tô Lâm tránh nhắc đến bầu cử Mỹ, “ghìm mình” để bảo toàn lực lượng

Ngày 8/11, blogger Trần Hiếu Chân bình luận, “Tô Lâm phớt lờ bầu cử Mỹ trong bài giảng ở Trường Đảng”. Bài viết được đăng trên RFA Tiếng Việt.

Theo đó, tác giả nhận xét, sau một vài tuyên bố bị các đồng chí cho là đã “đi quá xa”, có lẽ Tổng Bí thư Tô Lâm buộc phải “lùi về giữ khung thành”, để các thế lực bảo thủ yên tâm trước ý chí “thép đã tôi thế đấy”. Tại bài giảng ở Trường Đảng, Tổng Bí thư đã buộc phải phớt lờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang rúng động toàn cầu.

Tác giả Hiếu Chân cho biết, Donald Trump sẽ là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ trong những năm tới. Nếu Trump chỉ thực hiện một phần nhỏ trong những cam kết của mình, từ thuế quan thương mại cao hơn, đến bãi bỏ quy định, khoan dầu nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn đối với các đối tác NATO, thì áp lực đối với tài chính, các chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế, và lãi suất sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách trên thế giới.

Trong khi đó, vào những ngày này, các loại điện mật từ Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại, và trước hết là từ Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng, đang như “bươm bướm” bay tới tấp về văn phòng Tô Ân Xô, để báo cáo cho Tô Lâm những phân tích mới nhất về cuộc bầu cử đầy kịch tính trên nước Mỹ.

Nhưng lạ lùng thay, trong bài thuyết giảng được cho là “cuộc trao đổi” quan trọng trước đó tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm lại tảng lờ, không đề cập một lời nào về sự kiện đang khiến hàng tỷ người trên thế giới quan tâm.

Tác giả nhắc lại, tình hình Việt Nam hiển nhiên khác xa thuở tháng 9/1945. Nhưng để có được cái “cơ đồ như ngày nay”, ngay trên đất Mỹ, tháng 9 vừa qua, Tô Lâm đã dõng dạc tuyên bố: “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới, và nền văn minh nhân loại”.

Tại buổi nói chuyện ở Đại học Columbia, cử tọa đinh ninh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là người cởi mở, ủng hộ hòa giải và tự do học thuật.

Nhưng chính đoạn phát biểu về “cái thuở ban đầu” của quan hệ Mỹ – Việt đã bị Ban Tuyên giáo thẳng tay đục bỏ. Vì vậy, tác giả đặt câu hỏi rằng, phải chăng khi “trao đổi” với học viên Trường Đảng, Tô Lâm đã phải chọn lời lẽ khác so với lúc nói chuyện cùng sinh viên Trường Columbia?

Theo tác giả, cũng có quan điểm cho rằng, sau một vài tuyên bố về “kỷ nguyên mới của dân tộc”, Tô Lâm bị các thế lực bảo thủ trong Đảng cho là “đã đi quá xa”, do đó ông buộc phải “ghìm mình” để bào toàn lực lượng.

Vẫn theo tác giả, trong tinh thần hưởng ứng nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu sáng 21/10, trước Quốc hội khóa 15, về thể chế, nhân sự và cơ sở hạ tầng, trong đó thể chế là “điểm nghẽn” trọng yếu cho sự phát triển.

Tác giả cho hay, 8 tổ chức xã hội dân sự trong Nam ngoài Bắc đã đồng ký thư kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần thứ hai về chính trị, sau “Cải cách kinh tế” năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng.

Tác giả trích dẫn đài RFA Tiếng Việt ngày 5/11, cho biết, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng nhận định:

“Lần Đổi Mới này không phải là ý muốn của ai cả, tình thế bắt buộc phải làm chứ không phải là ý muốn của ông A bà B. Không thay đổi là chết, tất nhiên dân chết thì Đảng cũng chết, không có cách gì khác!”

Tác giả kết luận, nếu Tổng Bí thư Tô Lâm vững tin, dám hành động để cải cách thể chế cho đất nước cất cánh, thì ông có thể yên chí, hàng trăm chữ ký trong Bản kiến nghị đủ nói lên đấy là chỗ gặp nhau giữa ý Đảng và lòng Dân. Ông Tô Lâm không có gì cần lảng tránh như từng phải phớt lờ, không giảng giải cho các đồng chí học viên Trường Đảng, về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử vừa qua tại Hoa Kỳ.

 

Thu Phương – thoibao.de