Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất ổn của chính trường Việt Nam trong thời gian gần đây, xuất phát từ chính việc Nguyễn Phú Trọng không công bố rõ ràng, minh bạch, về nhân sự kế nhiệm ông, khi ông Trọng rút lui.
Gần đây, có nhiều biểu hiện cho thấy, có thể, ông Trọng sẽ tiếp tục ngồi ghế Tổng Bí thư lần thứ 4, đồng thời, ông sẽ cho sửa Điều lệ Đảng cho phù hợp. Do đó, “sự nổi loạn” của cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong thời gian vừa qua, là điều hợp lẽ nhưng không hợp lý, vì quy định của Đảng không cho phép.
Sự nổi giận lôi đình của ông Tô Lâm thời gian qua, đã phá nát ngôi nhà của Đảng về cơ cấu tổ chức. Hàng loạt nhân sự cấp cao, là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Trung ương Đảng, đã lũ lượt kéo nhau ra đi, bởi các sai phạm liên quan đến tham nhũng.
Dù rằng, sau Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, Tổng Trọng – với sự giúp đỡ của các tướng lĩnh quân đội và Bộ Quốc phòng, đã mau chóng bình ổn, tái lập trật tự trong Đảng. Cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng đã yên vị tại ghế Chủ tịch nước.
Song, Tổng Trọng và “các cấp có thẩm quyền” chưa công bố nhân sự tân Bộ trưởng Bộ Công an – chiếc ghế có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định, đối với quyền lực của ông Tô Lâm.
Theo giới phân tích, việc đưa Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nắm quyền điều hành Bộ Công an, là một sự tính toán có chủ đích của Tổng Trọng và phe cánh. Đồng thời, đây cũng là một trong những chiến thuật câu giờ để tạo sự căng thẳng của đối thủ – tức Bộ Công an.
Theo đó, nếu để Bộ Công an bị ức chế tâm lý, thì sẽ sinh ra các biểu hiện manh động, và chỉ chờ có thế, chiếc lưới của tử thần sẽ chụp xuống.
Đài Á Châu Tự do (RFA), ngày 29/5 đưa tin, “Tại sao đề xuất có cảnh vệ cho Bộ Quốc Phòng như Bộ Công an trong lúc này?”. Bản tin cho biết, ngày 24/5, truyền thông nhà nước loan tin, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi, đã đưa ra đề nghị:
“Cần quy định quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ cho cả Bộ trưởng Công an và Quốc phòng, vì lực lượng cảnh vệ bao gồm cả công an và quân đội.”
Vẫn theo RFA, giới quan sát cho rằng, phát biểu vừa kể thể hiện cho thấy, “có vẻ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không muốn lép vế so với bộ trưởng bộ Công an”.
Tuy nhiên, đáng chú ý, phát biểu vừa kể là của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô – Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, là điều tương đối bất bình thường.
Đặc biệt trong hoàn cảnh, nguyên tắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vốn là luôn đứng ngoài các mâu thuẫn, giữa các cá nhân và phe phái. Song gần đây, nguyên tắc này đã bị phá bỏ, khi các tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng đã tham gia giúp “các cấp có thẩm quyền” ổn định lại trật tự trong Đảng.
Hơn thế nữa, cái tên Bộ Tư lệnh Thủ đô khiến người ta liên tưởng tới vụ binh biến bất thành của Đại tướng Phùng Quang Thanh, vào năm 2015. Theo đó, ngày 3/7/2015, Tư lệnh và Chính uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trung tướng Tư lệnh Phí Quốc Tuấn và Trung tướng Chính uỷ Lê Hùng Mạnh, nhận quyết định nghỉ hưu, và được yêu cầu bàn giao tức khắc cho Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh – Phó Tư lệnh, và Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết – Phó Chính uỷ.
Nhắc lại sự kiện này để thấy tầm quan trọng của Bộ Tư lệnh Thủ đô – một tấm lá chắn an toàn, cho sự ổn định an ninh chính trị tại các cơ quan Trung ương đầu não của Đảng và nhà nước Việt Nam.
Trên mạng xã hội và các diễn đàn chính trị của người Việt, có ý kiến đưa ra giả thiết tương đối đáng ngại, khi cho rằng, phải chăng, Cơ quan Tình báo của Bộ Quốc phòng đã đánh hơi thấy âm mưu “ám toán” lãnh đạo quân đội, nên Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt mới đưa ra yêu cầu cảnh vệ đối với lãnh đạo của Bộ Quốc phòng.
Thậm chí, có ý kiến đánh giá, có thể có khả năng tương đối cao, sẽ có một vụ ám sát hụt đối với lãnh đạo quân đội, theo một kịch bản nào đó, với mục đích châm ngòi cho “Vụ án chống Đảng” khởi động, với mục đích gắp lửa bỏ tay Bộ Công an.
Xin khẳng định, trên đây chỉ là những ý kiến mang tính giả định. Nhưng đây là những vấn đề dành cho Chủ tịch nước Tô Lâm, và ê-kíp lãnh đạo Bộ Công an, phải nâng cao cảnh giác.
Xin nhắc lại, các vụ án “âm mưu chống Đảng” là một vũ khí đặc thù, trong các nền chính trị tại các quốc gia Cộng sản. Khi phe mạnh hơn, dùng quyền để ghép các cá nhân hay tổ chức vào tội danh này, với mục đích loại bỏ họ./.
Trà My – Thoibao.de