Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bầu chọn các nhân sự “chủ chốt”. Đây được cho là việc khắc phục hậu quả, sau vụ nổi loạn của Tô Lâm và Ban lãnh đạo Bộ Công an, trong việc lạm dụng quyền lực chống tham nhũng, để loại bỏ một lượng không nhỏ cán bộ cấp cao.
Đó là lý do vì sao, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu cao nhất của Hội nghị Trung ương 9 là phải đẩy Tô Lâm ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Công an đầy quyền lực, bằng mọi giá.
Ngày 18/5, khi Hội nghị Trung ương 9 bế mạc, truyền thông nhà nước ngay lập tức đưa tin:
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao, về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024.”
Phát biểu của ông Trọng đã chứng minh điều vừa kể.
Theo giới phân tích, ông Tô Lâm đã loại bỏ hàng loạt đối thủ, là những ứng viên tiềm năng kế nhiệm chức Tổng Bí thư, khi ông Trọng rút lui. Việc này khiến các ông bà: Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, nằm trong mục tiêu loại bỏ của Tô Lâm, trong nỗ lực chiếm lấy chiếc ghế Tổng Bí thư một cách sớm nhất.
Không loại trừ khả năng, ông Tô Lâm sẽ loại bỏ cả Tổng Trọng, vẫn theo kịch bản: “bắt trợ lý, buộc cấp trên phải từ chức”, mà Vương Đình Huệ đã mắc phải. Đây là biện pháp nhanh nhất buộc ông Trọng phải rút lui, không thể thoái thác được. Lúc đó, Bộ trưởng Tô Lâm sẽ chớp cơ hội, để chiếm lấy ghế Tổng Bí thư siêu quyền lực, và trở thành ông trùm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dẫu rằng, ông Tô Lâm – một chính khách Việt Nam được đánh giá là có quyền lực vô đối, với lợi thế có một kho “tàng thư”, đầy đủ các tội trạng, những chuyện nhúng chàm, của tất cả các quan chức lãnh đạo, từ cấp cao đến cấp trung. Đây vừa là thế mạnh, nhưng cũng trở thành một điểm yếu của Tô Lâm.
Yếu điểm trầm trọng của Bộ trưởng Tô Lâm là ỷ thế, nên đã quá lạm quyền, luôn tìm mọi cách để bành trướng thế lực của Bộ Công an một cách quá mức.
Do đó, đa số các lãnh đạo cấp cao, ngoài mặt thì tỏ ra kiêng dè, nhưng bên trong, họ vẫn tìm cách tập hợp nhau lại, để chống lại Bộ trưởng Công an. Mục tiêu cao nhất của họ là cùng nhau đánh bật Tô Lâm ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng đầy quyền lực.
Điều đó đã khiến cho Tô Lâm không nhận được sự ủng hộ của số đông thành viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cũng như số đông đại biểu Quốc hội. Trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo nhà nước, ông Tô Lâm đã đội sổ trong danh sách 6 uỷ viên Bộ Chính trị được Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Cho nên, thế mạnh của Tô Lâm được đánh giá là nằm ở thực quyền, chứ không phải do phe cánh mang lại. Cho nên, việc Tô Lâm phải thất bại trong cuộc đấu với Tổng Bí thư, là lẽ tất yếu.
Điều đáng nói là, Tổng Trọng và các đồng chí thân cận của ông, đã hoàn toàn bất ngờ trước các động thái của Tô Lâm, được cho là “vuốt mặt không nể mũi” bất kỳ ai, kể cả Ban lãnh đạo Bắc Kinh. Vì thế mới có những tình huống nước sôi lửa bỏng, tới mức, “lò lửa” trong cuộc tấn công của Tô Lâm đã suýt “xém râu bác Trọng”.
Rất may mắn, trận tiến công cuối cùng của Bộ Công an vào hang ổ của Tổng Bí thư đã bị chặn đứng. Vì một Nghị quyết tập thể của Bộ Chính trị, đã ép Tô Lâm phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước, đồng thời chặn đứng sự thao túng quyền lực của ông tại Bộ Công an. Nghĩa là, phải nhốt Tô Lâm vào trong chiếc “lồng quyền lực”.
Với kinh nghiệm lão luyện của một ông già tuổi đã ngoại 80, ông Trọng đã được ví là một con “cáo già đã thành tinh”, nhanh chóng hóa giải và vô hiệu hóa thành công của Tô Lâm. Kết quả, ông Tô Lâm buộc phải rời ghế Bộ trưởng Công an, để sang ngồi ghế Chủ tịch nước đầy rủi ro, và có “dớp” rất xấu.
Việc đẩy Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vào ghế Chủ tịch nước – một chiếc ghế với chức năng mang tính lễ nghi, đại diện cho nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại, là việc làm có chủ đích. Bởi trong những năm gần đây, Tổng Trọng hầu như chủ động trong việc đón tiếp, đàm phán, và thảo luận với các chính khách quốc tế, trên cương vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và nhà nước Việt Nam.
Đây sẽ là một trở ngại, và có thể nói, Tổng Trọng sẽ giám sát mọi hoạt động của Chủ tịch nước Tô Lâm, tiến tới sẽ vô hiệu hóa triệt để ông “trùm an ninh và mật vụ” khét tiếng một thời./.
Trà My – Thoibao.de