Đòn hiểm mà Tô tung vào Huệ, có thể loại được Tổng?

Việc cho báo chí đồng loạt đưa tin Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội bị bắt, Tô Lâm đã mượn dư luận để kết tội Vương Đình Huệ, mà không cần ông tự lên tiếng. Một khi dư luận lên tiếng, thì lúc đó, chính quyền cần phải xử lý theo luật pháp, theo Điều lệ Đảng, không còn bao che được nữa. Điều này khiến Vương Đình Huệ không thể thoát.

Đầu tiên, dư luận xã hội đã lật lại “án lệ” cách đây chưa lâu. Đó là việc, ngày 27/9/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã cho bắt ông Nguyễn Quang Linh – Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực lúc đó là ông Phạm Bình Minh. Sau đó, ông Phạm Bình Minh đã bị xử lý kỷ luật và buộc phải từ chức, vì “trách nhiệm của người đứng đầu”.

Sau khi bắt ông Nguyễn Quang Linh, ngày 30/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tiếp ông Nguyễn Văn Trịnh – Trợ lý Phó Thủ tướng lúc đó là ông Vũ Đức Đam, vì tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Sau đó, ông Vũ Đức Đam cũng bị ép phải từ chức, vì “trách nhiệm của người đứng đầu”.

Ngoài những “án lệ” trên, thì Điều lệ Đảng cũng được dư luận viện dẫn, để kết tội người đứng đầu. Thông tin nội bộ cho biết, ông Phạm Thái Hà đã nhận hối lộ lên đến 2.000 tỷ đồng, cho các dự án đường cao tốc và các tuyến đường ven đê tại nhiều tỉnh thành. Giới quan sát, giới phân tích, đều không thuộc quyền quản lý của nhà nước Cộng sản, nên không cần phải dè dặt nhìn ngó ý Đảng, họ chỉ dựa vào những thông tin đã được công khai hoặc đồn đoán có độ khả tín cao, để phán đoán, và cho rằng, ông Huệ phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu.

Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị, về việc miễn nhiệm, từ chức, đối với cán bộ, do Thường trực Ban Bí thư lúc đó là Võ Văn Thưởng ký ban hành ngày 3/11/2021. Trong đó, Điều 7 quy định:

  1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách, hoặc cấp dưới trực tiếp, xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
  2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
  3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Được biết, người bị buộc phải từ chức vì “trách nhiệm của người đứng đầu”, không chỉ có ông Vũ Đức Đam, ông Phạm Bình Minh, mà cả ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng. Như vậy, cả “án lệ” và luật lệ đều dẫn Vương Đình Huệ đến kết cục như những người từng bị ép từ chức trước đây. Đây là cơ sở để ông Tô Lâm dồn Vương Đình Huệ vào con đường độc đạo, đấy là con đường từ chức.

Các ông Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc bị loại bởi vũ khí “trách nhiệm người đứng đầu” của ông Nguyễn Phú Trọng. Mới đây, ông Võ Văn Thưởng bị loại bởi ông Tô Lâm, và sắp tới, Vương Đình Huệ cũng bị loại bởi Tô Lâm.

Khi ông Trọng cầm vũ khí “trách nhiệm người đứng đầu”, thì không bao giờ ông “chém” vào bản thân và phe của ông. Thế nhưng, khi vũ khí nằm trong tay Tô Lâm, thì không loại trừ khả năng Tô Lâm “chém” luôn Tổng Bí thư. Vì tham vọng chính trị, Tô Lâm sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Một khi đã mang tiếng là “kẻ phản nghịch”, thì Tô Lâm cũng ngần ngại và cả nể ai.

Thật ra, Tổng Trọng cũng không phải là người trong sạch. Hồ Mẫu Ngoạt – người từng là Trợ lý cho ông suốt hơn 10 năm, đã để lại rất nhiều tai tiếng. Khi ông Trọng là “chủ lò”, thì ông không hề hấn gì. Nhưng giờ đây, Tô Lâm đang làm chủ cuộc chơi, thì không loại trừ khả năng, Tô Lâm sẽ moi Trợ lý của ông Tổng hiện nay là ông Đào Đức Toàn ra để xử lý. Thậm chí, Tô Lâm cũng có thể dùng chiêu “hồi tố”, moi luôn cả Hồ Mẫu Ngoạt ra.

Nếu Tô Lâm dùng chính đòn hiểm “trách nhiệm người đứng đầu”, mà bổ vào ông Tổng, thì lúc đó, dù có muốn bám ghế, ông Trọng cũng khó lòng bám được.

 

Thái Hà – Thoibao.de