Chia chác trong Đảng không phải lần cuối

Ngày 14/2, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Đảng “chia quả thực” đầu năm chưa hẳn là lần cuối” của tác giả Trần Hiếu Chân.

Tác giả đề cập đến việc Tổng Trọng ẩn ẩn – hiện hiện thời gian qua, khi ông vắng mặt một thời gian dài, rồi xuất hiện tại Quốc hội sáng 15/1, rồi lại “bốc hơi” thêm 2 tuần, và xuất hiện lại lần nữa vào sáng 7/2, tức 28 Tết.

Tác giả đánh giá, ngày xưa, quyền lực chỉ thuộc về một dòng họ duy nhất, ngày nay, với các “vua tập thể” thì sự phân quyền có khác, nhưng đều có một mẫu số chung. Đó là, con dân xứ Đông Lào ngày nay vẫn bị bỏ rơi trong các cuộc “chia quả thực” thời 4.0…

Tác giả cho rằng, đa phần người dân giờ đây không còn mấy lòng tin vào bất cứ một “thế tử” nào trong đám cầm quyền. Phe phái nào lên thì đều “vũ như cận”, phần lớn đều là hiện thân của lòng tham và tội ác. Ngoại trừ một phạm vi hẹp trong giới quan sát, còn phần đông người dân đều thờ ơ, không mấy quan tâm đến thời cuộc.

Tác giả mỉa mai nhận xét, suốt mấy tuần lễ Tổng Bí thư vắng mặt trước và sau Tết, sân khấu chính trị Ba Đình căng như một dây đàn, nhưng thứ dân thì vẫn thờ ơ, trơ lì trước mọi biến động của thời thế, mà không hề chờ đợi, không hề hy vọng bất cứ điều tốt lành nào. Còn các phe phái, sau khi tuốt gươm cũng đã kịp nhận ra, cơ hội tỉ thí chưa tới. Và các bên tra gươm vào vỏ, tạm lui binh, sau khi thỏa thuận được với nhau phương án “quả thực” đầu năm.

Theo tác giả, đã có nhiều đồn đoán về việc sắp xếp trong “Tứ trụ”, một khi ông Trọng ra đi. Trừ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ chia nhau các ghế Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Có nguồn tin chưa xác định cho rằng, ông Phạm Minh Chính sẽ ngồi vào ghế Tổng Bí thư, và để hai ghế còn lại cho ông Huệ và ông Tô Lâm, nhưng cũng có bình luận khác nhận định rằng, thỏa hiệp này chỉ là tạm thời cho đến năm 2026 (năm của Đại hội 14).

Tác giả nhận định, việc chia chác này sẽ có những tác động rất tiêu cực, đối với mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội của đất nước.

Trong bộ máy quyền lực sắp xếp như trên, xu hướng chuyên chế, đàn áp sẽ vượt trội hơn so với thời kỳ trước đây. Hơn một nửa của “Tứ trụ” là công an và an ninh tư tưởng (Chính, Tô Lâm và Thưởng). Từ nay họ sẽ không phải dè chừng để kiếm phiếu, hẳn nhiên bộ máy sẽ tăng cường trấn áp, bắt bớ và toàn xã hội sẽ tiếp tục bị bóp nghẹt…

Tác giả phân tích, việc “chia quả thực” đầu năm nói trên còn cần được chính thức hóa tại phiên họp Trung ương đặc biệt, và phải được sự “chuẩn thuận” từ phía bên kia biên giới. Có điều, Tập Cận Bình cũng đang vào hồi rối ren, nên khi thấy ở “thuộc quốc”, các phe phái thỏa hiệp được với nhau, thì nhiều phần Bắc triều cũng sẽ chấp nhận để cho con thuyền “cùng chung vận mệnh” bớt tròng trành.

Tuy nhiên, tác giả đề cập đến một “phái ngựa ô đang náu mình, chưa xuất hiện công khai. Lực lượng này tuy không mạnh bằng “Tứ trụ” đương quyền, nhưng họ đại diện cho khát vọng muốn thay đổi trên nhiều lĩnh vực, vì vậy, họ sẽ có sức cuốn hút đối với đa số, từ hơn 200 Ủy viên Trung ương, những người đang đối mặt với sóng gió của nền kinh tế, muốn có đột phá sau trì trệ hiện nay. Phái này gồm những khuôn mặt tương đối “sạch nước cản”, hoặc ít ra cũng đỡ lem luốc hơn và không bị giới hạn bởi độ tuổi. Vì vậy, “phái ngựa ô” này có khuynh hướng chấp thuận việc “chia quả thực” đầu năm chỉ là tạm thời. Tất cả phải chờ đến Đại hội 2026. Cho đến lúc đó, cả “Tam trụ” khó dành được các “giải đặc biệt” về tuổi tác, như Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng thời Đại hội 13.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

14.2.2024