Ngay sau khi tin bắt cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế nổi lên, lập tức, những thông tin liên quan tới sức khỏe của Tổng Trọng đã phải nhường chỗ. Công luận chuyển sang bàn luận và đặt câu hỏi về vụ bắt giữ Nguyễn Công Khế.
Trên trang Facebook cá nhân của ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu Thư ký Toà soạn báo Thanh Niên, là một người trong cuộc, đã tiết lộ: “Tui biết báo Thanh Niên và cả Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên [do ông Khế làm chủ] không thể có đủ vài trăm tỷ [đồng] để mua khu đất, chứ đừng nói làm cả một dự án to lớn”.
Đồng thời, nhà báo Huỳnh Ngọc Chên đặt câu hỏi: “Sai phạm thấy rõ của hai ông Khế và Thông là mua đất theo giá chỉ định để xây tòa soạn, nhưng đã chuyển đổi mục đích và bán cho tư nhân theo giá thị trường, để hưởng chênh lệch cao. Ai đã cấp phép để xây dựng một toà cao ốc to như vậy? Một vấn đề nữa là tiền chênh lệch đó đưa đi đâu?”
Trong phần comments bên dưới bài đăng của tác giả Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo Nguyễn Đình Ấm đã đưa ra một bình luận rất đáng chú ý, khi cho rằng: “Lúc Khế làm việc đó, thanh thế rất mạnh, có anh nọ anh kia bảo kê, bây chừ các anh không còn uy quyền nữa… Một trong những câu Kiều tôi tâm đắc là: “Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một, hai”.
Nhà báo chống tham nhũng Nguyễn Hoài Nam, một người vừa hết hạn tù vì chống tham nhũng trước đây, trên trang Facebook cá nhân đã đăng lại một bài viết từ tháng 8/2020, với tựa đề “Khôn như báo Thanh Niên!”.
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam tiết lộ, năm 2008, báo Thanh Niên có đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, xin mua khối tài sản của Công ty Thuốc lá Sài Gòn, diện tích đất là 9.734,6 m2 tại số 151 – 155 Bến Vân Đồn, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh và được chấp thuận. Toàn bộ đất và nhà có giá là hơn 225 tỷ – đây là giá bán theo chỉ định, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Do không có tiền, nên lãnh đạo báo Thanh Niên ký 3 hợp đồng vay tiền của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời, với hơn 253 tỉ đồng. Sau đó, báo Thanh Niên vay của Công ty Vinpearl thuộc VinGroup hơn 120 tỷ. Nhưng thực chất, báo Thanh Niên làm như vậy để được Trung ương Đoàn đồng ý về chủ trương bán cổ phần khu đất này để trả nợ.
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Theo hồ sơ điều tra của tôi, thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời mua và sở hữu 15,58%. Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl mua và sở hữu 10,57%”.
Cuối cùng, khi các thủ tục do ông Nguyễn Công Khế và Ban lãnh đạo báo Thanh Niên thực hiện đã hoàn tất, thì, Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên lại không triển khai theo sự phê duyệt của các cơ quan chức năng, mà sang tay cho Tập đoàn Kinh doanh Bất động sản Novaland.
Điều đó có nghĩa là, trên thực tế, báo Thanh Niên hay Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên, dưới sự chỉ đạo và thao túng của ông Nguyễn Công Khế, đã thực hiện một thương vụ “nấu cháo rìu”. Nói nôm na là “tay không bắt giặc” hay “buôn nước bọt”, nhưng lại thu lời hàng chục nghìn tỷ để chia nhau. Đó là chưa kể tới việc “quên” đóng thuế cho nhà nước.
Đây không phải là một vấn đề mới, theo giới chuyên gia, các công sản – gồm nhà cửa, đất đai thuộc sở hữu nhà nước, đã bị lãnh đạo các cấp, thông qua cái gọi là liên kết hợp tác đầu tư để “hô biến”. Vụ Vũ Nhôm – Phan Văn Anh Vũ là một điển hình.
Cách thức chung là, lấy công sản của nhà nước được định giá ở mức rẻ như cho, để góp vốn liên doanh hợp tác với tư nhân, dưới hình thức “dự án hợp tác đầu tư kinh doanh”. Sau đó, chủ sở hữu vốn nhà nước chủ động rút khỏi liên doanh, và chuyển nhượng cổ phần của nhà nước lại cho tư nhân. Đổi lại, doanh nghiệp tư nhân trả lại số vốn nhà nước góp bằng tiền, “bằng trị giá vốn góp ban đầu”.
Nghĩa là, chỉ “sau một đêm”, công sản thuộc sở hữu nhà nước có giá trị gấp hàng trăm, hàng nghìn giá trị định giá ban đầu, đã thuộc về sở hữu tư nhân.
Những điều này được coi là thủ thuật rút tiền của nhà nước để chia nhau, của số đông các lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Điều này đã lặp đi, lặp lại ở hầu hết các thương vụ bán công sản của nhà nước.
Website của Đài Truyền hình Việt Nam VTV, ngày 3/4/2023 có bản tin “Trục lợi nhà đất công”. Bản tin cho biết:
“Theo Bộ Tài chính, gần 200.000 tỷ đồng là số tiền thu được mỗi năm từ việc khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công. Đây là con số rất lớn, tương đương khoảng 12 – 14% tổng thu ngân sách hàng năm.
Tuy nhiên, con số này sẽ còn lớn hơn rất nhiều, nếu nhà đất công trên cả nước không bị các cá nhân, tổ chức xẻ thịt, cho thuê lại… để hưởng chênh lệch, sử dụng sai mục đích để trục lợi, hay dùng các chiêu trò tinh vi để biến của công thành của tư, gây lãng phí, thất thoát, thiệt hại lớn cho nhà nước.”
Công luận thấy rằng, không khó để phát hiện, xử lý, thu hồi các công sản của nhà nước bị thất thoát, như dự án cao ốc ở số 151 – 155 Bến Vân Đồn, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn đề là, tại sao cơ quan quản lý các cấp lại để xảy ra hiện tượng “con voi chui qua lỗ kim” giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng không xử lý triệt để như vậy?./.
Trà My – Thoibao.de
18.1.2024