Ngày 30/12, blog Hoàng Trường trên VOA Tiến Việt có bài ‘“Án chồng án”, Đảng vẫn không chịu nhận lỗi”.
Tác giả nhận xét, năm 2023 khép lại, nhưng các “trùm cuối” của “Kit test Việt Á”, “chuyến bay giải cứu” và nhiều vụ án khác vẫn bình an vô sự.
Đáng ghi vào sử Đảng là màn “vạch áo cho người xem lưng” trong các cáo buộc sinh tử giữa Hưng, Tuấn, Hằng, và cuối cùng là vụ “quay xe” ngoạn mục của Hoàng Văn Hưng.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Hưng thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền 800.000 USD (hơn 18,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, số tiền 1,8 triệu USD bị can Hằng nói là đã đưa cho cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội để “chạy án”, hiện nằm ở đâu vẫn là một điều bí ẩn.
Theo tác giả, giật gân hơn ở vụ “kit test Việt Á”, không phải là phán quyết của Tòa, mà chừng nào Bộ trưởng Công an Tô Lâm còn chưa công bố kẻ nắm giữ 80% cổ phần Công ty Việt Á là ai, hay thân nhân của ai trong “cung đình nhà Sản”. “Trùm cuối Việt Á” vẫn đâu đó, và mãi mãi có thể vẫn là “bí mật công khai”.
Những “bí mật công khai” này đã không được Tòa án Quân sự Hà Nội đề cập, suốt trong 3 ngày xét xử sơ thẩm 7 bị cáo, trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và Học viện Quân Y.
Tác giả bình luận, đằng sau các vụ đại án dường như thấp thoáng một tổng đạo diễn “vô hình”, chỉ huy các “dây chuyền tham nhũng” ở Việt Nam xảy ra giữa dịch giã Covid-19. Đấy là những kịch bản giống nhau đến kỳ lạ giữa “chuyến bay giải cứu” và “Kit test Việt Á”!
Đó là, trong 2 đại án này, kéo theo hàng trăm cán bộ trung cao cấp của Đảng xuống bùn đen đều là những doanh nghiệp nhỏ, hầu như vô danh, nhưng lại được chọn để thực thi “chủ trương lớn” của Bộ Chính trị!
Tác giả cho rằng, theo dõi quá trình hình thành “giai cấp mới” – tức là tầng lớp quan liêu, được hưởng đặc quyền đặc lợi của Đảng Cộng sản, thì chúng ta mới thấu hiểu được những gì đang diễn ra ở ngay trên chính mảnh đất nơi chúng ta đang hàng ngày sinh sống.
Tác giả đề cập đến phiên họp ngày 22/11/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Tại đây, ông Trọng lưu ý về việc chậm chạp đưa các vụ án ra tòa. Đồng thời, ông yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải tăng cường “hợp đồng tác chiến” hiệu quả hơn, chứ “đừng cua cậy càng, cá cậy vây” hay “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.
Tác giả nhận định, mấy lời “tự bạch” của ông Tổng cho thấy các mối liên hệ chằng chịt giữa các nhóm lợi ích trong Đảng và nhà nước, đặc biệt là mối quan hệ giữa các tập đoàn, các công ty là “sân sau” của các quan chức trong bộ máy với nhau.
Vẫn theo tác giả, không phải đến bây giờ, cả xã hội mới nhận thức được, nhiều đại án, trung án và tiểu án, thực chất là tập hợp các trò “ăn của dân không chừa thứ gì”.
Tác giả dẫn nhận xét của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Phương Duy (nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng, diễn biến tại các phiên tòa nhiều lúc mang tính chất khôi hài. Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa mà cứ như thể vẫn đang là quan chức. Những cách phát ngôn kiểu “miệng nhà quan có gang có thép” là một minh chứng.
Tác giả cũng dẫn Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, cho thấy, toàn bộ “dây chuyền tham nhũng” đã được chuẩn bị rất công phu, có mục tiêu định hướng, được thiết kế rõ ràng, và được thực hiện qua các công đoạn đầy đủ, theo quy trình pháp lý, cũng như việc xây dựng tính chính danh qua hệ thống truyền thông chính thống.
Với tính chất quy mô và bài bản như vậy, có thể nói, đây là một bằng chứng cho thấy, tham nhũng của Việt Nam đã tiến từ giai đoạn tham nhũng hành chính và tham nhũng chính sách, sang một giai đoạn mới, có tính chất hoàn toàn khác, là lũng đoạn nhà nước.
Tác giả kết luận, với một con bệnh ung thư như thế, mà Đảng chỉ “xức dầu gió” thì kể cũng lạ!
Thu Phương – thoibao.de
1.1.2024