Link Video: https://youtu.be/vJiDfPAEewo
Ngày 25/10, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Bộ Công an có cần thu thập nhóm máu, số điện thoại và địa chỉ e-mail của dân?”
Theo đó, ngoài việc thu thập họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nhóm máu, tình trạng hôn nhân… như hiện tại, Bộ Công an mới đây đề xuất thu thập thêm số điện thoại và địa chỉ e-mail của người dân, với mục đích được nói là để tạo lập số định danh cá nhân.
RFA dẫn quan điểm của nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nói:
“Tôi cho rằng, Bộ Công an Việt Nam đang thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam là dần dần bóp nghẹt tiếng nói người dân trong nước. Họ tìm mọi cách quản lý càng nhiều thông tin có thể, để theo dõi và truy soát những người họ muốn, khi cần thiết. Tôi cho rằng, đây cũng là một chủ trương mà Bộ Công an Việt Nam đang hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc, nhất là trong chuyến đi từ ngày 12 đến 16/9 của Bộ trưởng Công an Tô Lâm đến Trung Quốc.
Tại đó đã có những ký kết và cam kết thực hiện nội dung, tôi có đọc, là hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trên lĩnh vực quản lý dân cư, quản lý xã hội trên nền tảng số. Có nghĩa là, Việt nam sẽ dần dần thực hiện như Trung Quốc. Tôi e ngại đến một lúc nào đó, Việt Nam cũng sẽ chấm điểm công dân như Trung Quốc. Đó là điều rất tồi tệ.”
RFA cho biết, Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là hai dự án được triển khai từ tháng 6/2021, do Bộ Công an chủ trì.
RFA dẫn ý kiến của chuyên gia về công nghệ thông tin ở Úc, ông Hoàng Ngọc Diêu, cho rằng:
“Đối với nhóm máu của mỗi cá nhân, chỉ có Bộ Y tế mới có quyền thu thập thông tin này với sự đồng ý của mỗi cá nhân, và thông tin này là thông tin mật và thuộc về y tế. Không có lý do gì mà Bộ Công an lại thâu thập nhóm máu của công dân. Còn số thuê bao điện thoại di động là sở hữu cá nhân và số này có thể thay đổi liên tục, tuỳ hoàn cảnh. Không có lý do gì mà Bộ Công an lại thu thập số điện thoại di động của công dân. Địa chỉ thư điện tử cũng như số điện thoại di động, là những thông tin cá nhân và không có lý do gì để bộ công an thu thập những thông tin như thế.”
“Những cố gắng thu thập thông tin của công dân mà Bộ Công an Việt Nam đã và đang làm trong suốt thời gian mấy chục năm nay, chỉ với một mục đích duy nhất: Kiểm soát công dân.”
RFA cũng dẫn quan điểm của cựu binh Nguyễn Khắc Toàn, cho biết:
“Trong 8 năm qua, Bộ Công an đã có 3 lần loanh quanh mãi với căn cước công dân, thẻ công dân, căn cước công dân 9 số, căn cước công dân 10 số… làm tốn kém ngân sách và làm phiến phức nhân dân.”
“Người dân trong nước nghi ngại vể chuyện căn cước công dân gắn chip đã đành, họ sợ phía công an, an ninh theo dõi nhất cử nhất động của người dân. Tức là xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dân. Chính vì vậy mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã phải lên diễn đàn Quốc hội để giải thích. Nhưng dân vẫn chưa yên tâm. Bây giờ còn thu thập nhóm máu, số điện thoại và địa chỉ e-mail là thừa. Bởi người dân khi mua sim điện thoại đã bị các nhà mạng đòi hỏi danh tính, chụp ảnh rồi… Còn nhóm máu thì không thuộc lĩnh vực của Bộ Công an mà thuộc Bộ Y tế.
Hiện nay đất nước mở cửa nên quyền con người phải được tôn trọng. Nếu Bộ Công an cứ nay thu thập cái này, mai thu thập cái khác thì người dân sẽ mang tâm lý là công an đang tước đoạt dần quyền riêng tư, quyền tự do của người dân. Bộ Công an nên tìm hiểu cách làm của các nước dân chủ kết hợp với đặc thù văn hóa, tập quán, phong tục của Việt Nam.”
RFA cho biết thêm, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ trong phiên họp về vấn đề này hồi tháng 8 vừa qua, đã nhấn mạnh, phải xem xét kỹ các điều khoản áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp, vì nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện luật.
Hoàng Anh
>>> Chánh án Tòa tối cao cấm dân nghi ngờ thẩm phán
>>> Luật sư Võ An Đôn và gia đình đã đến Mỹ sau một năm bị cấm xuất cảnh
>>> Tác dụng của những lá phiếu tín nhiệm
>>> Nhiều bệnh nhân tuyệt vọng vì ngành y thiếu thuốc và vật tư y tế
Tình trạng thị trường bất động sản Việt Nam có giống Trung Quốc?