Link Video: https://youtu.be/rY0qZD1ZmiM
Ngày 20/10, blog Trân Văn trên VOA có bài bình luận “‘Quy hoạch” và “tầm nhìn”, nhưng người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt”.
Tác giả đề cập đến việc khoảng 95.000 cư dân của huyện Chư Sê phải ngưng dùng nước ngoài ý muốn, bởi Công ty Cấp nước Chư Sê bị Công ty Điện lực Chư Prông cắt điện.
Công ty Điện lực Chư Prông ngưng cung cấp điện cho Công ty Cấp nước Chư Sê vì không thanh toán 41 triệu đồng là tiền điện phải trả cho tháng 9. Công ty Cấp nước Chư Sê không trả tiền điện tháng 9 vì các tài khoản của công ty ở ngân hàng bị khóa, nên không thể chuyển khoản để thanh toán tiền điện…
Theo tác giả, Chư Sê là một trong 17 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Gia Lai. Giống như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Gia Lai đã lập xong và vừa thông qua “Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo quy hoạch này, đến năm 2050, Gia Lai sẽ là tỉnh “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”…
Tác giả bình luận, cứ như tuyên truyền thì quy hoạch này được đánh giá là “nghiên cứu công phu, nghiêm túc, phân tích dựa trên hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ và tin cậy về hiện trạng, tiềm năng phát triển đảm bảo tính khả thi”. Nhưng ngay sau đó, cả hệ thống công quyền để xảy ra chuyện 95.000 người không có nước chỉ vì những lý do như vừa đề cập.
Tác giả tiếp tục đề cập đến việc Khu đô thị Thanh Hà, tọa lạc ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, và là nơi cư trú của hơn 30.000 người, bị ngừng cấp nước đột ngột.
Trước đó, nước sinh hoạt cấp cho dân cư ở khu đô thị này đột nhiên nặng mùi, khiến da nổi mẩn, gây ngứa ngáy. Kết quả xét nghiệm chất lượng nước xác định nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng an toàn gấp hàng chục đến vài chục lần. Đến ngày 14/10 thì ngay cả nước bẩn cũng không còn. Phía cấp nước giải thích, sở dĩ không có nước là vì nguồn nước bị khiếm hụt.
Giờ đây, việc cấp nước cho hơn 30.000 người phụ thuộc hoàn toàn vào các xe bồn chuyên vận chuyển nước.
Tác giả cho rằng, Khu đô thị Thanh Hà không phải là trường hợp cá biệt. Cuối tháng trước, sinh hoạt của cư dân ở Khu tập thể Đại học Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự – không có nước để dùng trong sinh hoạt, do hệ thống cấp nước bị trục trặc, và mỗi gia đình phải sắp xếp để nhận nước vào các buổi sáng…
Tác giả nhận xét, nước yếu, thiếu nước là tình trạng phổ biến ở Hà Nội. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm, ở nhiều nơi, và càng ngày lan ra nhiều khu vực. Tuy nhiên, ngược với tình trạng nước sinh hoạt yếu và thiếu, thì Hà Nội lại dư nước mưa. Cứ mưa lớn thì thủ đô lại trở thành… “thành phố biển”.
Vẫn theo tác giả, giống như Gia Lai, hệ thống công quyền của thành phố Hà Nội đang dồn tâm lực, trí lực, sức lực vào việc lập “Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để “định hướng không gian phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh, hệ thống hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên”, và để trở thành “thành phố kết nối toàn cầu”.
Ý tưởng biến Hà Nội thành “thành phố kết nối toàn cầu”, không phải của thành phố Hà Nội, mà là “sản phẩm trí tuệ” của Bộ Chính trị. Cũng cần nói thêm, “tầm nhìn” này không chỉ là “trăn trở” của Bộ Chính trị, mà còn là “quyết tâm” của Chính phủ.
Tác giả tiếp tục bình luận, cách nay vài thập niên, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu bày tỏ sự yêu thích “quy hoạch” và “tầm nhìn”.
Tuy nhiên, dù các “quy hoạch” và “tầm nhìn” cao xa cỡ nào, thì giới hữu trách vẫn không tính, và cũng chẳng thèm bận tâm đến dân sinh. Thành ra mới có chuyện, dù “quy hoạch” và “tầm nhìn” rất… thế này, rất… thế kia, nhưng dân chúng vẫn không hài lòng bởi thiếu đủ thứ, kể cả thứ thiết yếu nhất là nước đánh răng, rửa mặt!
Quang Minh
>>> Quy trình nhân sự của Đảng
>>> Vì sao công an bị dân ghét?
>>> Một quỹ đầu tư của Mỹ cam kết mua 1 tỷ cổ phiếu của VinFast
Võ Văn Thưởng ghi điểm tại Bắc Kinh?