Đầu tư công là một phần không thể thiếu của chính sách tài khóa, nó là công cụ điều tiết nền kinh tế bên cạnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Ở Việt Nam, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước là hai đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, theo dự tính của chính quyền Cộng sản là thế. Trong khi đó, tại các nước tự do thì chỉ có phần đầu tư công thực hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, còn phần doanh nghiệp nhà nước thì rất hạn chế.
Báo chí nhà nước luôn được chỉ đạo là phải ca tụng hết lời những chính sách của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế thì những công cụ mà chính quyền dùng để điều tiết nền kinh tế, đã và đang tỏ ra thiếu hiệu quả.
Khối doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang là gánh nặng cho nền kinh tế hơn là giữ vai trò dẫn dắt. Việc phân biệt đối xử trong chính sách (cả trên thị trường vốn và thị trường hàng hóa) dành cho khối nhà nước lâu nay, như là cách mà nhà nước “bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng”. Mọi sự yếu kém của khối này đều dẫn tới cái kết chung, đó là khoan vào sức dân để cứu những doanh nghiệp nhà nước làm ăn bết bát.
Nguồn tiền đầu tư công của Chính phủ cũng lại là một vấn đề. Hiện nay, từ Trung ương đến địa phương, vốn đầu tư công đều bị tắc nghẽn. Nguồn tiền đầu tư công là một kênh bơm tiền ra thị trường, đồng thời nó cũng là nơi giải quyết việc làm cho lao động lẫn doanh nghiệp. Bởi một khi trúng thầu dự án công, thì không những nhà thầu thi công, mà cả những nhà thầu cung cấp cũng có dự án để nuôi sống doanh nghiệp. Kéo theo đó là hàng ngàn người lao động có việc làm, có thu nhập, dẫn tới chi tiêu cũng tăng lên. Một khi nguồn đầu tư công bị tắc nghẽn, thì cả một dây chuyền bị tắc nghẽn theo. Đấy là dấu hiệu xấu cho nền kinh tế.
Vì vốn đầu tư công bị nghẽn mà hồi tháng 3 vừa qua, ông Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập 5 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Năm tổ này do các ông: Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng; Lê Minh Khái – Phó Thủ tướng; Phạm Hồng Hà – Phó Thủ tướng; Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; và Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính, làm tổ trưởng.
Tuy đã thành lập đội quân tháo gỡ điểm nghẽn hùng hậu, nhưng vì điểm nghẽn quá nhiều, và không thể tháo gỡ từ nguyên nhân, nên tháo không được bao nhiêu.
Được biết, Bộ Quốc Phòng là nơi được cấp ngân sách lên đến 150.000 tỷ đồng, cũng đang bị nghẽn dòng tiền đầu tư công. Kết quả là, ngày 12/10, ông Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – phải làm việc với các cơ quan, đơn vị, về công tác giải ngân vốn đầu tư 9 tháng đầu năm 2023.
Có một nghịch lý rất khó hiểu, đấy là, vốn đầu tư công thì bị nghẽn khắp nơi, nhưng ngân sách Trung ương thì lại bội chi khủng. Thông thường, khi Quốc hội duyệt chi ngân sách dựa trên dự toán cho năm sau, con số dự toán luôn được khống chế ở mức thấp. Tuy nhiên, dù dòng vốn đầu tư công bị nghẽn nhiều nơi, nhưng bội chi vẫn rất lớn. Năm 2023, bội chi ước tính là hơn 4% GDP, trong khi đó, năm 2022 bội chi ở mức 3,6% GDP. Một khi ngân sách bị bội chi, thì bằng cách này hay cách khác, nhà nước cũng sẽ khoan vào túi dân để bù lại mà thôi.
Dòng vốn đầu tư công bị nghẽn mà ngân sách vẫn bội chi khủng, đây là một nghịch lý. Vậy tiền chảy đi đâu?
Vì chính quyền này không minh bạch, nên người dân không biết được dòng tiền thực sự chảy đi đâu. Tuy nhiên, có thể phán đoán, một lượng lớn ngân sách đã chảy vào túi tham không đáy của quan chức. Lương quan chức là đồng lương chết đói, nhưng quan chức nào cũng dư tiền xây biệt phủ, mua ô tô, cho con cái du học nước ngoài, và thậm chí là mua quốc tịch nước ngoài để dự phòng. Số tiền bị quan tham gặm nhấm rất kinh khủng. Đất nước này bị sâu mọt gặm nhấm sạch, mà sâu mọt đấy là ai ngoài Đảng?
Ý Nhi – Thoibao.de