Link Youtube: https://youtu.be/vN-kBn8Yd-U
Blog Trân Văn ngày 30/8 có bài “Khi công an dẫn dắt quốc gia”. Theo đó, tuy cả kinh tế lẫn xã hội tiếp tục ngả nghiêng vì đủ loại vấn nạn, nhưng Quốc hội Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vẫn dành phần lớn tâm lực, trí lực, sức lực, tài lực, cho việc thỏa mãn vô điều kiện các yêu cầu của Bộ Công an.
Tác giả nhắc đến việc Quốc hội Việt Nam tiếp tục dành thời gian để xác định nên gọi loại giấy tờ tùy thân, giúp xác định danh tính, lai lịch, nhân diện, nhân dạng của một cá nhân ở Việt Nam, là “Thẻ căn cước” (Thẻ CC) hay “Thẻ căn cước công dân” (Thẻ CCCD).
Tác giả cũng nhắc lại việc các đại biểu Quốc hội khóa 15 ưu tiên dành thời gian để thông qua Dự luật sửa đổi Luật Công an Nhân dân vào tháng 6/2023, để công an có thể nâng số lượng tướng từ 199 lên 205, bất kể tình hình an ninh trật tự như thế nào.
Cũng trong Kỳ họp này, gần như tất cả đại biểu Quốc hội khóa 15 đều tán thành với đề nghị của Bộ Công an, là phải có luật về “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.
Tác giả lưu ý, hồi tháng 11/2020, có 290/393 đại biểu Quốc hội khóa 14 đã liệng “Dự luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” vào thùng rác. Khoảng hai phần ba đại biểu cho rằng, ý tưởng dùng luật để thống nhất ba lực lượng: Công an bán chính quy, Bảo vệ dân phố, Dân phòng trên toàn quốc của ông Tô Lâm, không những không cần thiết vì nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng, mà còn tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia.
Thế thì, tác giả đặt câu hỏi, tại sao tình hình kinh tế xã hội tồi tệ hơn, nhưng các đại biểu Quốc hội khóa này lại “nhất trí cao” với Bộ Công an, rằng, phải có luật về “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”?
Tác giả thấy chỉ có một lý do khả dĩ: Cách nay ba năm, cho dù tham nhũng lan tràn nhưng làn sóng truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức tham nhũng chưa rộng và chưa sâu như vài năm gần đây. Trong bối cảnh như hiện nay, có viên chức nào, dẫu là đại biểu Quốc hội chuyên trách, hay vừa là lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, vừa kiêm nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội, đủ tự tin là không tì vết, để chỉ ra sự phi lý trong các yêu cầu của Bộ Công an và mạnh dạn phủ quyết những yêu cầu ấy?
Trở lại với Dự luật sửa luật căn cước công dân hiện hành, tác giả tiếp tục nêu thắc mắc: Tại sao đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nhưng các đại biểu Quốc hội lại không bận tâm đến dư luận, và dễ dàng lập lại theo ông Tô Lâm: Việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ CC sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội. Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân? Tại sao các đại biểu Quốc hội lại tin tưởng ông Tô Lâm vô điều kiện, rằng chuyển đổi một trong những loại giấy tờ tùy thân quan trọng nhất của mỗi cá nhân lại không gây ra bất kỳ sự tốn kém nào, không tạo ra bất kỳ tác động nào đến tâm lý dân chúng? Tại sao không liên tưởng đến những tuyên bố của ông Tô Lâm về hộ chiếu không cần nơi sinh, là “xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, khi yêu cầu thông qua Dự luật Xuất nhập cảnh và hậu quả sau đó của sáng kiến này?
Tác giả nhận định, giống như hộ chiếu không cần nơi sinh – “xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0” – Bộ Công an đã yêu cầu thì Chính phủ, Quốc hội phải đáp ứng, phải chiều như chiều vong – biến các yêu cầu thành luật!
Nếu chưa tin, bạn có thể tham khảo thêm chuyện “đấu giá biển số xe ô tô”. Bởi Bộ Công an yêu cầu, Quốc hội khóa này đã dành nhiều ngày của Kỳ họp thứ tư (tháng 11/2022) để thảo luận về việc tổ chức “đấu giá biển số xe ô tô” được cho là “đẹp”. Có lẽ từ cổ chí kim, chỉ có Việt Nam dùng thời gian, sức lực, tiền bạc dành cho hoạt động lập pháp, vào việc tìm sự thống nhất để bán… biển số xe hơi “đẹp”. Sau đó cơ quan lập pháp ban hành riêng một… “nghị quyết” về chuyện này. Chưa hết, sau đó Chính phủ còn ban hành riêng một Nghị định cho hoạt động “quan trọng” này.
Ý Nhi – thoibao.de
>>>Mua quốc tịch Cyprus, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa Tổng – Tô vào thế kẹt “bi” trong họng!
>>>Thích Thanh Quyết quyết làm tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới
>>>Sức sống của nền kinh tế quyết định sinh mệnh chính trị của Thủ Chính
>>>Nghịch lý trong kỷ lục vốn hóa của VinFast
Đại Án Việt Á: Nguyễn Thanh Long bắt tay với Việt Á gây tai họa cho dân VN như thế nào?