Từ năm 2012 cho đến nay, chính sách độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng của nhà nước đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, và cuộc sống của người dân. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xáo trộn của thị trường vàng, mà nhà nước không thể kiểm soát.
Cụ thể, từ thời điểm đó, giá vàng ở trong nước và quốc tế luôn luôn có chênh lệch gần 20 triệu đồng/lượng. Cũng như, chênh lệch giữa giá mua và giá bán lên tới từ 3 đến 4 triệu đồng/lượng. Chính sách này đã tạo điều kiện cho việc buôn lậu vàng từ nước ngoài vào Việt Nam. Cứ mỗi lượng vàng buôn lậu được dập theo mẫu vàng miếng SJC 9999, có thể thu lợi ngay lập tức 15 – 16 triệu đồng/lượng.
Đây là hệ quả của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, gọi tắt là Nghị định 24 của Chính phủ quy định: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, với mục đích khắc phục tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch lớn với quốc tế, cũng như việc đầu cơ vàng. Nhưng kết quả thu được hoàn toàn ngược lại.
Dư luận xã hội và giới chuyên gia thấy rằng, Nghị định 24 đã tạo ra một cơ chế bất công, vô lý không thể chấp nhận được. Đây là một hình thức điển hình, nhà nước móc tiền từ túi của dân, bằng các chính sách bất hợp lý mang tính lợi ích nhóm.
Ngày 9/11, VnExpress đưa tin, “6 người tại công ty SJC bị khởi tố vụ mua bán vàng “bình ổn giá””. Bản tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can về tội danh “tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC).
Theo đó, 6 người kể trên, và các đơn vị liên quan bị khởi tố do lợi dụng mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ, chiếm đoạt tài sản. Công ty SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép độc quyền sản xuất vàng, kinh doanh vàng miếng từ năm 2014 đến nay.
Đa số ý kiến của người tiêu dùng trong nhiều năm qua luôn luôn nghi ngờ về chất lượng, cũng như giá cả của mặt hàng độc quyền này. Một phép so sánh đơn giản, với cùng loại vàng 9999 trên thị trường chỉ cần dập theo mẫu vàng SJC, rồi ép vào trong vỏ nhựa. Lập tức giá trị đã tăng lên đến 130%, một mức lãi ngoài sức tưởng tượng.
Nghị định 24 của Chính phủ ra đời từ tháng 4/2012, chỉ hơn một năm sau khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2011, và được duy trì liên tục cho đến nay. Đó là lý do, lâu nay vẫn có những đồn đoán nghi ngờ rằng, ông Trọng và nhóm lợi ích có liên quan đến chủ trương này.
Từ đầu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra chỉ thị yêu cầu bình ổn thị trường vàng, cũng như xóa sổ tệ nạn độc quyền trong việc kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC, nhưng không thành công.
Theo giới chuyên gia tài chính, thị trường vàng SJC ở Việt Nam có sự tham gia của nhiều nhóm lợi ích, và các cá nhân có quyền lực. Bao gồm các ngân hàng, doanh nghiệp lớn, và các tổ chức tài chính…. Đồng thời, việc điều hành và kiểm soát thị trường vàng SJC ở Việt Nam là một quá trình khá phức tạp, bởi có phối hợp giữa các nhóm lợi ích trong và ngoài nước.
Công luận hy vọng rằng, vụ việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố 6 bị can thuộc Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC), là tiến trình khởi đầu trong việc điều hành ổn định và kiểm soát thị trường vàng theo chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đã đến lúc chính quyền cần làm rõ, việc độc quyền kinh doanh sản xuất vàng miếng SJC là chủ trương của các quan chức, nhóm lợi ích lợi nào, lạm dụng chính sách để trục lợi ra sao, và cần phải được xử lý nghiêm. Tóm lại, việc độc quyền kinh doanh vàng, hay độc quyền về chính trị cũng đều không tốt.
Trà My – Thoibao.de