Ngày 1/8, RFA Tiếng Việt bình luận ‘“Hồng Vệ binh” kiểu Việt Nam đợt quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Theo RFA, ngay khi Nhà nước Việt Nam vừa công bố thông tin Tổng Trọng qua đời, hôm 19/7, hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng trong nước lập tức bày tỏ niềm thương tiếc trên mạng xã hội.
Những người nổi tiếng không thể hiện niềm tiếc thương, hoặc vẫn cập nhật cuộc sống thường nhật trên trang cá nhân, thì ngay lập tức, bị một lực lượng cư dân mạng tấn công, chỉ trích, thậm chí là kêu gọi tẩy chay vì “vô ơn”.
RFA liệt kê những trường hợp bị tấn công, như: nữ ca sỹ Suni Hạ Linh, hot Tiktoker Duy Muối, các diễn viên Khánh Vân, Nam Thư…
RFA dẫn nhận định của một nhà báo ở trong nước, cho rằng:
“Áp lực của những thành phần cực đoan đã khiến những người trẻ tuổi này phải hoảng sợ, rồi phải mở lời xin lỗi gượng ép, nhưng được báo chí và các hệ thống mạng lưới tuyên truyền đưa tin, đó là cách rửa mặt cho Nhà nước, trong bối cảnh dàn dựng đau thương về một lãnh tụ qua đời bị thất bại.”
RFA dẫn quan sát của ca sĩ Mai Khôi, từ Hoa Kỳ, cho biết, hiện tượng hàng loạt người nổi tiếng đăng bài, bày tỏ tiếc thương cái chết của Tổng Trọng, là “sự răm rắp làm theo một mệnh lệnh”.
“Vì trước đây, họ có bao giờ đăng bài gì thể hiện lòng ngưỡng mộ yêu thương đối với ông Trọng khi ông đang còn sống, thì sao mà khi ông ấy chết, tình cảm ngưỡng mộ yêu thương lại đùng đùng ập đến?”
RFA cũng dẫn quan sát một người ở Hà Nội, thấy rằng, đám đông chỉ trích những ca nghệ sĩ không tưởng nhớ ông Trọng, có 2 thành phần. Thứ nhất là “đám đông quần chúng nhân dân, những người yêu mến ông Trọng”. Thứ hai là những người thân nhà nước, chính quyền, có thể, họ là thành phần dư luận viên, lực lượng tác chiến trên mạng.
“Tôi thấy lực lượng này rất hung hãn. Nhiều ý kiến còn cho rằng, những nghệ sĩ này là vô ơn, đáng bị bỏ tù. Người ta chửi với các lý do rất cực đoan.
Theo tôi thấy thì đây là việc khuấy động tinh thần cực đoan của người Việt Nam, không khác gì cái đám Hồng Vệ binh của Trung Quốc cả. Còn cái việc chính quyền dung dưỡng, cổ suy tinh thần cực đoan đó thì hết sức nguy hiểm, không tốt một tí nào.”
Ca sĩ Mai Khôi thì khẳng định:
“Đó rõ ràng là luận điệu của bọn dư luận viên, mà đầu nguồn là Ban Tuyên giáo. Chẳng có người dân bình thường nào rảnh rỗi đi trách móc các nghệ sĩ sao không khóc lãnh tụ.”
Theo ca sĩ Mai Khôi, Đảng Cộng sản Việt Nam là đàn em của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên không lạ khi họ xây dựng đội dư luận viên Việt Nam theo phong cách “Hồng Vệ binh” của Trung Quốc.
Ca sĩ Mai Khôi cho rằng:
“Khi họ [các ca nghệ sĩ] nổi tiếng trở thành KOLs, họ phải phục vụ lại Nhà nước, bằng cách góp phần tuyên truyền và tẩy não người dân” và dân sẽ tin Đảng như tin Chúa, Phật, dẫn đến không có khả năng phân biệt đúng sai.
“[Sự “liêm khiết” của ông Trọng] là công cụ tẩy não tuyệt vời, vì dân Việt và văn hóa Việt thường đề cao đạo đức hơn tài lãnh đạo. Từ thời ông Hồ cho tới nay, chỉ có ông Trọng được cho là liêm khiết gần giống ông Hồ, nên Đảng phải lợi dụng ngay thời cơ này để tẩy não dân, và củng cố quyền lực Đảng.”
Người quan sát ở Hà Nội thì cho rằng, chính quyền Việt Nam có nhiều lý do để khiến người dân tôn ông Trọng như bậc thánh nhân:
“Thứ nhất là họ muốn tính chính danh, muốn lấy lại danh tiếng đã mất của Đảng Cộng sản. Họ muốn đưa ông Trọng lên như là lãnh tụ để lấy lại hình ảnh đã mất.”
“Thứ hai là họ đang kích động, đánh đồng việc yêu nước, yêu dân tộc với yêu lãnh tụ là một, và khuấy động lên để người dân tin yêu theo Đảng Cộng sản.”
Nhà báo kể trên dự đoán, Việt Nam trong tương lai của một thể chế độc tài, sẽ luôn có những phong trào cực đoan như vậy.
Xuân Hưng – thoibao.de