Ngày 5/6, Blogger Trần Hiếu Chân bình luận “Dân chủ hoá ở Việt Nam: Tiếng kêu trên hoang mạc?”, đăng trên RFA Tiếng Việt.
Tác giả cho rằng, Đại tướng Tô Lâm tiếm quyền và lộng hành gần 2 năm qua, khiến cho guồng máy bên Đảng chao đảo. Các Ủy viên Bộ Chính trị, từ “Bộ tứ”, “Bộ ngũ”, ngã ngựa từ đầu năm 2024 là các minh chứng. Những sự kiện liên tiếp xảy ra tuần qua, càng chứng tỏ hiệu năng quyền bính của “bàn tay sắt” từ tân Chủ tịch nước.
Tác giả nêu dẫn chứng từ một số sự kiện gần đây:
Sự kiện nhà báo Huy Đức bị Công an bắt “nóng”, hôm 1/6, có thể đánh giá là Đại tướng Tô Lâm quyết tâm kiểm soát thông tin và “khóa miệng” những tiếng nói bất đồng quan điểm.
Cùng ngày Huy Đức “biến mất”, cũng có tin trên mạng xã hội là Công an cho “bốc hơi” Luật sư Trần Đình Triển. Trên mạng xã hội, cái bóng của Huy Đức quá lớn, nên nhiều người quên đi một người có tầm ảnh hưởng khác là Luật sư Triển, từng nhiều năm lăn lộn với những người dân ở tận đáy xã hội. Huy Đức và Trần Đình Triển đều được cho là “túi khôn” của phe Nghệ Tĩnh.
Một cuộc bố ráp khác, là cuộc “đánh úp” tăng đoàn khất thực của nhà sư Thích Minh Tuệ, vào đêm 3/6, có thể được hiểu là quyết tâm của Bộ Công an, nhằm bóp nghẹt tự do tôn giáo, nếu không tu tập theo đường lối của nhà nước.
Tác giả nhận xét, không biết do ngẫu nhiên, hay có tính trước, sư Thích Minh Tuệ cũng có bản quán là Hà Tĩnh!
Về quan hệ ngoại giao, tác giả cho hay, từ khi tân Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức đến nay, đã hơn nửa tháng, mà vỏn vẹn chỉ khoảng chục quốc gia “cất công” gửi điện mừng.
Việt Nam một thời tự xưng là “lương tâm của thời đại”, nay một Tướng Công an bốn sao lên ngôi Chủ tịch nước, mà dẫn đầu vẫn chỉ là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Campuchia… chúc mừng, thì đó là điềm báo không hay ho. Không mấy quốc gia dân chủ bỏ công làm một động thái lễ tân nhỏ nhoi, chúc mừng một tân Nguyên thủ quốc gia.
Tác giả đánh giá, Đại tướng Tô Lâm mới ngồi vào ghế “Nguyên thủ quốc gia” chưa “nóng đít”, nhưng đã hiện nguyên hình là một nhà độc tài có hạng. Điều này, ắt sẽ dẫn đến những hệ lụy về đối ngoại cho Việt Nam.
Các nước châu Âu như Đức hay Slovakia càng nhạy cảm đối với Tô Đại tướng, liên quan vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Các nước này, do đó, có lý do để chưa thật “mặn mà” chúc mừng Đại tướng Tô Lâm.
Tác giả cũng cho biết, ngay đến cả Nhật Bản – một đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, và đứng về phương diện an ninh, đang tích cực giúp Hà Nội “đối trọng” với Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn quân sự trên Biển Đông, mà đến nay vẫn chưa gửi điện mừng. Khi tìm hiểu, các nguồn tin nội bộ cho biết, Nhật Bản là nước phản đối mọi hoạt động bắt cóc công dân, khi rất nhiều công dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Có thể, đó là lý do tại sao Nhật Bản chậm trễ gửi thư chúc mừng tân Chủ tịch nước.
Vẫn theo tác giả, tiêu ngữ nước Việt Nam, từ sau năm 1945 đến nay, có cặp giá trị “dân chủ” và “Tự do”. Tuy nhiên, có lẽ, không có “cặp đôi” nào, Đảng vừa căm ghét, vừa sợ hãi, đi cùng với nó là sự thù hận đối với hai giá trị phổ quát này của nhân loại!
Tân Chủ tịch nước từ nay là một Đại tướng Công an. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam.
Tác giả để cập đến buổi hội luận của đài VOA, với một chủ đề không thể nóng hơn: “Liệu Việt Nam có thể chủ động đi trước Trung Quốc về dân chủ hóa”.
Buổi hội luận gần như đi đến một nhận thức chung là, con đường dẫn đến dân chủ hóa ở Việt Nam sẽ còn lắm gian nan, còn phải vượt qua nhiều chướng ngại về lịch sử, văn hóa và tư tưởng. Trường hợp xấu nhất, sự thất bại trong quá trình chuyển đổi có thể dẫn đến sự trở lại của một chế độ độc tài mới, có thể còn tồi tệ hơn chế độ hiện nay.
Quang Minh – thoibao.de