Như vậy, một lần nữa, Trung ương Đảng lại khẳng định, tin đồn chính là sự thật. Chiều ngày 26/4, các báo nhà nước đồng loạt đưa tin, “Xét theo nguyện vọng cá nhân, Trung ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa XV”.
Thực tế, chẳng có cái gọi là “nguyện vọng cá nhân” nào của ông Vương Đình Huệ cả, mà ngược lại, ông Huệ rất “cứng đầu”, không chịu buông bỏ quyền lực. Chỉ vì chứng cứ quá rõ ràng, khiến ông không thể chối cãi, nên đành phải viết đơn xin từ chức để bảo toàn danh dự.
Trong kế hoạch của ông Huệ, ghế Chủ tịch Quốc hội chỉ để ngồi tạm, trước khi được cơ cấu thay cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở kỳ Đại hội tới. Nhưng không may, lại lòi ra một Tô Lâm phản chủ, đánh ông bay khỏi ghế, khiến ông phải ôm lấy thất bại, nhục nhã ê chề.
Chỉ mới ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng bị Trung ương Đảng loại khỏi chức vụ Chủ tịch nước, thì 36 ngày sau, đến lượt ông Vương Đình Huệ cũng bị loại. Cả 2 trụ này đều là nạn nhân của ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an.
Và quả thực, Tô Lâm đã lập một kỳ tích, lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu, khi chỉ trong 36 ngày đã bẻ gãy được 2 trụ trong Tứ trụ.
Như vậy, kế hoạch bồi dưỡng nhân sự để truyền ngôi của ông Trọng, đã bị Tô Lâm phá cho tan tành. Có thể nói, khi ông Võ Văn Thưởng nhận chức Chủ tịch nước vào năm ngoái, thì trong 4 trụ, đã có 3 trụ là thuộc “phe lò” của ông Tổng. Nhưng giờ đây, thế chân vạc tưởng vững như bàn thạch ấy, đã bị Tô Lâm bẻ hết 2 chân, chỉ còn lại một mình trụ Tổng chơ vơ. Có thể nói, Bộ Chính trị chưa bao giờ khủng hoảng nhân sự như bây giờ.
Cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe chính trị của ông Trọng, giờ đây, đang hội tụ về một điểm – đó là “YẾU”. Sức khỏe thể chất của ông đã như ngọn nến trước gió, có thể, ông sẽ ra đi theo “Bác Hồ” của ông vào bất cứ lúc nào. Sinh mạng của ông đang trong tình trạng là sống được ngày nào hay ngày đó. Giả sử, vào lúc này, có “đồng chí” nào đó bỏ “thuốc” cho ông, thì cũng mọi người cũng chỉ nghĩ là ông ra đi do bệnh tật thông thường. Với ông Trọng, đối thủ mà ra tay như ai đó đã làm với Trần Đại Quang trước đây, thì cũng sẽ tránh được tai tiếng.
Tuy nhiên, sức khỏe chính trị của ông cũng là vấn đề lớn, vì nó có thể ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia. Bộ khung đã từng làm nên sức mạnh của ông Tổng trong nhiều năm, giờ đây đã “tan đàn xẻ nghé”, kể từ khi ông Tô Lâm bất ngờ “tạo phản”. Nói về nghiệp vụ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chắc chắn không thể theo kịp Bộ Công an. Cho nên, giờ đây, trong các vụ xử lý kỷ luật các lãnh đạo cấp cao, ông Trần Cẩm Tú luôn là người bị động trước Tô Lâm. Cụ thể là vụ xử lý kỷ luật ông Vương Đình Huệ, ông Trần Cẩm Tú nhận kết quả điều tra từ ông Tô Lâm và buộc phải làm theo.
Từng là “đệ ruột” của ông Nguyễn Phú Trọng, nay Trần Cẩm Tú lại phải làm theo yêu cầu của Tô Lâm. Bởi Tô Lâm có công cụ để điều tra, và một khi, kết quả điều tra vi phạm vào Quy định những điều đảng viên không được làm, do chính ông Tổng ban hành, thì Trần Cẩm Tú có muốn làm trái ý Tô Lâm cũng không được. Có thể nói, ông Trần Cẩm Tú đã bị ông Tô Lâm điều khiển.
Như vậy, xung quanh ông Tổng không còn có thế lực nào đủ mạnh, để che chắn cho ông trước một Tô Lâm hung hãn. Nếu nói, trước đây, sự nghiệp chính trị của ông Trọng được chắn nhiều phía, rất an toàn, thì giờ đây đã trống hơ trống hoác. Trong khi, cơn bão do Tô Lâm tạo ra đang càn quét mạnh về phía ông.
Nhiều nhà phân tích dự đoán, sau khi hạ được Vương Đình Huệ, thì mục tiêu kế của Tô Lâm sẽ là Tổng Bí thư. Nếu đây là sự thật, không rõ, ngọn nến của Tổng Trọng có trụ nổi trước cơn bão này hay không.
Hoàng Anh – Thoibao.de