Ở Đại hội 13 cách đây 3 năm, khi đó, sức khỏe của Tổng Trọng đã không tốt, do di chứng từ lần ngã bệnh tại Kiên Giang trước đó 2 năm. Tuy nhiên, lúc đó, sức khỏe chính trị của ông Tổng vẫn rất vững. Trong tay ông lúc đó có tất cả, gồm: sự ủng hộ của Tập Cận Bình; một Ban Bí thư với những thuộc hạ trung thành; và một Bộ trưởng Bộ Công an biết vâng lời.
Giờ đây, sức mạnh chính trị của Tổng Bí thư đã tổn thất nặng nề, sau khi Tô Lâm “tạo phản”. Trước khi ra mặt “tạo phản”, Tô Lâm đã đi sứ sang Trung Quốc, thể hiện muốn lấy lòng Bắc Kinh. Dù muốn hay không, cũng tới lúc Bắc Kinh cần người mới để thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để Tập có thể tính kế hoạch dài hạn hơn.
Không phải Tô Lâm cứ thích “tạo phản” là có thể làm, mà ông chỉ có thể “tạo phản” sau khi từ Bắc Kinh trở về. Rất có thể, chuyến đi Bắc Kinh hồi giữa tháng 9 năm ngoái, đã cho Tô Lâm một tín hiệu tích cực. Lâu nay, Tô Lâm vẫn kiểm soát rất tốt Bộ Công an, sao ông không ra mặt “tạo phản” sớm hơn? Bởi nếu tạo phản sớm hơn, thì Tô Lâm đã không phải vất vả tranh thủ chạy đua với quy định quá tuổi như hiện nay.
Một điểm nữa cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, đấy là, xét về lực lượng, nhóm Hưng Yên mỏng hơn nhóm Nghệ An rất nhiều, nhưng tại sao, Tô Lâm vẫn dám ra mặt “làm phản”? Đấy là chưa nói đến sự ủng hộ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với “đệ ruột” Vương Đình Huệ. Nếu xét về lực lượng trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, Hưng Yên đấu với Nghệ An chẳng khác nào như “trứng chọi đá”.
Không biết, Tô Lâm có nhận được sự ủng hộ từ Bắc Kinh hay không, nhưng rõ ràng, Tô Lâm đã dám lấy ít địch nhiều và đang ở thế thắng. Có thể nói, Tô Lâm như là ngôi sao chính trị đang lên. Một mình náo loạn Trung ương Đảng qua các vụ bắt bớ khắp các tỉnh thành, với nhiều quan đầu tỉnh đương chức, đại náo Bộ Chính trị qua việc hạ bệ Võ Văn Thưởng và tấn công dồn dập Vương Đình Huệ. Có khả năng có đến 2 trụ bị ngã bởi bàn tay của Tô Lâm.
“Làm phản” trong Đảng Cộng sản không dễ, bởi ngay trong Đảng uỷ Bộ Công an, có mặt cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Tương tự, trong Quân ủy Trung ương cũng vậy. Về mặt nhà nước, ông Tô Lâm đứng đầu Bộ Công an, nhưng về mặt Đảng, ông không phải là người có tiếng nói lớn nhất trong Bộ Công an, vậy mà ông vẫn dám “làm phản”.
Câu hỏi đặt ra là: Sức mạnh của Tô Lâm đến từ đâu? Nếu nói, sức mạnh của Tô Lâm có được là do nắm binh quyền, thì chỉ đúng một phần nhưng chưa đủ, bởi trước đây, Tô Lâm cũng nắm binh quyền, nhưng ông lại rất “ngoan ngoãn” trước Tổng Bí thư.
Với việc mất quyền kiểm soát Bộ Công an, có thể nói, thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hết. Tuy nhiên, không biết đến bao giờ ông mới kết thúc sự nghiệp chính trị, hoặc có ai kết thúc sự nghiệp chính trị của ông.
Hiện nay, Tô Lâm là nhân vật nổi nhất, một mình chinh chiến, không ngán ngại ngay cả những Tứ trụ mạnh nhất. Rất có khả năng, chính Tô Lâm sẽ là người kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Trọng. Bởi hiện nay, không ai có thể áp chế được Tô Lâm.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã không còn là nhân vật mạnh nhất trên vũ đài chính trị Việt Nam. Tuy nhiên, ông có chịu rút lui hay không thì lại là một câu hỏi to tướng. Suốt gần 3 nhiệm kỳ của mình, ông Trọng luôn dùng quyền lực tuyệt đối trong Đảng để tự trao cho mình những điều kiện “ngoại lệ”. E rằng, ông còn muốn tự trao cho mình thêm một “suất đặc biệt” nữa, để ở lại nhiệm kỳ thứ 4. Nhưng điều này đã không còn dễ dàng như trước nữa, bởi giờ đây, không phải ai cũng nghe ông, đặc biệt là Tô Lâm.
Từ nay cho đến Đại hội 14, khả năng ông Trọng sẽ rời chính trường giữa nhiệm kỳ là rất cao. Bởi Tô Lâm đã thể hiện ý đồ giật ghế trước kỳ Đại hội.
Hoàng Phúc – Thoibao.de