Ngày 22/4, báo chí được Tô Lâm bật đèn xanh, đồng loạt đưa tin về việc Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà bị bắt. Cũng ngày này, báo chí cũng đưa tin ông Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để cho ý kiến về “Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn”.
Lửa đã táp đến tận chân, nhưng ông Huệ vẫn đang cố tỏ ra ung dung, như không có chuyện gì xảy ra.
Trước đó, có thông tin, tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú chủ trì, ngày 17/4, đã triệu tập ông Vương Đình Huệ đến làm việc 2 buổi, và ép Vương Đình Huệ từ chức. Dù ông Huệ vẫn tỏ thái độ chống đối, nhưng cuối cùng thì cũng phải viết đơn từ chức.
Trong cuộc họp Bộ Chính trị hôm 19/4, ông Huệ vẫn rất mạnh miệng, phê bình hành động bắt người một cách tùy tiện của ông Tô Lâm trong những ngày qua, trong đó, có vụ bắt sân sau của ông Huệ là Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, và cả đàn em thân tín của ông là Phạm Thái Hà.
Thật ra, Tô Lâm lâu nay có xem pháp luật ra gì đâu? Đặc biệt, trong vấn đề trị dân, Tô Lâm vẫn luôn cho bắt người tùy tiện, nên người dân mới tặng cho ngành công an câu nói “bất hủ”, rằng “luật là tao, tao là luật”.
Tuy nhiên, việc bắt các “đồng chí” trong Đảng, trước đây, Tô Lâm vẫn tuân thủ quy trình do ông Tổng Bí thư đặt ra. Đó là, đợi Ủy ban Kiểm tra Trung ương phân loại hình thức kỷ luật, sau đó mới đến lượt Tô Lâm ra tay. Thế nhưng, từ đầu năm 2024 đến nay, Tô Lâm đã không còn tuân thủ quy trình này, mà cho bắt quan chức theo kiểu “đánh úp”, không cần đợi Trần Cẩm Tú cho kỷ luật cách chức và khai trừ Đảng như trước đây.
Quy trình do Tổng Bí thư đặt ra đã làm chậm quá trình xử lý quan chức, tạo điều kiện cho những kẻ dính kỷ luật có thời gian để chạy chọt, thậm chí là bỏ trốn. Đây là điểm yếu của quy trình này. Nếu Tô Lâm tuân thủ thì sẽ không thể có yếu tố bất ngờ, do đó, không hạ được những đối thủ cần hạ.
Với trường hợp ông Phạm Thái Hà bị bắt, một lần nữa chứng minh, ông Tô Lâm đã không còn coi cái quy trình xử lý đảng viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra gì. Đến giờ, ông Hà vẫn chưa bị kỷ luật, bị cách chức, và bị khai trừ khỏi Đảng. Nghĩa là, ông Hà bị bắt khi còn tại chức. Rồi đây, Trần Cẩm Tú sẽ còn phải “chạy theo đuôi” Tô Lâm, để cho xử lý kỷ luật ông Phạm Thái Hà.
Cho tới khi thông tin ông Phạm Thái Hà bị bắt được công bố, ông Vương Đình Huệ vẫn tỏ ra “cứng đầu”. Ông vẫn cho triển khai cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn cho báo chí loan tin. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ như con gà cố cất lên tiếng gáy cuối cùng, trước khi bị “thịt”. Bởi trong tay Tô Lâm đang có quá nhiều phương án, nếu Vương Đình Huệ càng cứng đầu, đàn em càng bị hạ thêm. Điều này có thể khiến ông Huệ thất bại trong nhục nhã, ê chề, chứ không được êm thấm như Võ Văn Thưởng.
Hãy chờ xem, ông Huệ có thể cứng đầu được bao lâu? Thời gian sẽ sớm trả lời.
Hoàng Anh – Thoibao.de