Lãnh đạo “trình độ chính trị cao”, việc đời ú ớ, làm sao dân thoát nghèo!

Ngày 11/4, báo Tiếng Dân đăng bình luận của nhà báo Nguyễn Thông với tựa đề “Quan và dân”.

Bài viết bình luận về vụ nữ Chủ tịch huyện Nhơn Trạch – bà Nguyễn Thị Giang Hương, bị bọn lừa đảo qua mạng lừa lấy hơn 170 tỷ đồng, được báo chí loan tin chiều 23/3.

Vụ việc này khiến cộng đồng mạng nổi bão, với thắc mắc, chỉ là một Chủ tịch huyện, với đồng lương còm cõi, sao bà Giang Hương lại có nhiều tiền như vậy để bị lừa? Ngoài số tiền bị lừa, bà Giang Hương còn bao nhiêu tài sản chìm nổi nữa? Tỉnh uỷ Đồng Nai đã quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức như thế nào? Số tiền bị mất có nằm trong kê khai tài sản của bà Giang Hương hay không?…

Vụ việc này chỉ là một sự cố trong chuỗi các sự cố, do vô tình, hoặc do sự cố ý từ phía đối thủ, phía công an, đã làm lộ những khối tài sản khổng lồ của quan chức, khiến người dân ngỡ ngàng.

Cũng từ những vụ việc như thế này, bộ mặt thật của giới chức Cộng sản hiển lộ, mặt nạ tô son trét phấn rơi xuống, đồng thời, cũng làm cho người dân mất lòng tin vào chế độ. Ngay cả những người vẫn còn thuần chất tin yêu Đảng nhất, cũng hiểu rằng, quan lại ngày nay là sâu mọt.

Đồng thời, vụ Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa, cũng cho thấy năng lực và trình độ thực sự của giới quan chức nói chung, và bà Giang Hương nói riêng.

Thoibao.de giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Thông đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Ngày 9/4, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nói rằng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Nhơn Trạch bị lừa hơn 171 tỉ đồng, do “nạn nhân” bị mắc lừa bọn tội phạm. Chúng dùng thủ đoạn quá cũ, xuất hiện từ cả chục năm trước, nhưng nạn nhân thiếu cảnh giác…

Thưa ông Quang, ông nói “thủ đoạn quá cũ” trong vụ lừa đảo kinh thiên động địa trị giá hơn 170 tỉ đồng này, sao không nói thẳng ra, nó là cái gì, như thế nào, để người dân còn biết mà tránh, mà “đề cao cảnh giác”, làm thất bại mọi âm mưu của chúng.

Đành rằng, công an luôn phải bí mật (công an mà không bí mật thì đâu phải công an, chuyện kể rằng, 2 ông không quen nhau đi trên đường, dừng đèn đỏ, ông này hỏi ông kia, anh có phải công an không, ông kia hỏi ông này, thế anh có phải công an không, cả hai cùng lẩm bẩm: chỗ nào cũng công an), công an có các biện pháp nghiệp vụ để “đánh án” (như vụ 4 cô tiếp viên hàng không xách hơn chục ký ma túy chẳng hạn, nhưng đánh xong thì cần lôi các cổ vào cuộc chứ, sao cứ thả mãi, mất hút con mẹ hàng lươn được). Tuy nhiên, vụ lừa Chủ tịch huyện, cứ phải phơi bày thủ đoạn của bọn lừa, đâu thể ỡm ờ như thế, chả nhẽ lại bảo vệ cả bọn tội phạm.

Tôi đề nghị cả Trung ương lẫn tỉnh Đồng Nai, cần công khai vụ nữ Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa như thế nào, có đúng là lừa thật không, tiền bị lừa là tiền cá nhân hay là “huy động vốn” của người khác, nếu huy động thì huy động để làm gì, ngoài vụ này còn có tiền sự vụ nào nữa chưa phát lộ, v.v… Làm tới Chủ tịch huyện mà cũng bị lừa theo “phương pháp cũ”, thì đủ biết, đội ngũ cán bộ của các ông các bà thế nào. Không bằng cô bán rau hàng rong.Dân bị lãnh đạo bởi thứ cán bộ “trình độ chính trị cao cấp”, nhưng việc đời ú ớ như vậy, hỏi sao dân chẳng khổ, nghèo. Vụ việc xảy ra đã cả tháng trời mà Trung ương cũng như tỉnh chưa dám cách chức đương sự, để dân chịu khổ chịu nhục bởi kẻ lãnh đạo đến bao giờ. Hay là cả nước này không có ai tài giỏi làm được Chủ tịch huyện.

 

Thu Phương – thoibao