Ngày 22/3, blog Tùng Phong trên VOA Tiếng Việt bình luận ‘“Đốt lò” hay đảo chính?”
Tác giả nhận xét, dưới bề mặt phẳng lặng của cái ao tù chính trị nhàm chán ở Việt Nam, những cơn sóng ngầm, lật đổ phía sau hậu trường, thanh trừng đấu đá, không kém phần tàn khốc vẫn luôn diễn ra.
Theo tác giả, Võ Văn Thưởng là “hạt giống Đỏ”, trưởng thành từ môi trường Đoàn. Được cho là người có nền tảng học vấn và phong cách rất tương đồng với ông Nguyễn Phú Trọng, cả hai đều nghiên cứu chuyên sâu về lý luận, triết học Marx Lenin.
Tác giả đánh giá, việc ông Thưởng bị buộc thôi chức chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và báo hiệu quyền lực thực sự của “người đốt lò vĩ đại” đã suy giảm đáng kể.
Tác giả cho hay, sau khi ông Thưởng bị buộc “thôi chức” hôm 20/3, nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng, ông Tô Lâm sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước.
Trên thực tế, Chủ tịch nước dù chỉ được coi là chức danh biểu tượng, không có thực quyền trong hệ thống quyền lực của nhà nước Việt Nam, nhưng đó vẫn là một ghế trong “Tứ trụ”, với những đặc quyền lớn hơn bất cứ ủy viên Trung ương khác. Cái ghế Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội thường là bước đệm tốt cho những cá nhân có tham vọng tiến lên ngôi “cửu ngũ chí tôn” Tổng Bí thư, hay vị trí béo bở Thủ tướng.
Tuy vậy, vẫn tác giả, nhiều nguồn tin nội bộ cho biết, đến phút 89, ông Tô Lâm dứt khoát không rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an theo sắp xếp của Bộ chính trị. Ba trường hợp còn lại đều không mặn mà gì với vị trí Chủ tịch nước. Điều này khiến cho ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị rơi vào thế lưỡng nan. Cuối cùng, buộc phải đưa bà Võ Thị Ánh Xuân một lần nữa nắm Quyền Chủ tịch nước.
Tác giả bình luận, công tác nhân sự cấp cao của Đảng thực sự có vấn đề. Không những họ liên tục “ngã ngựa”, mà ngay cả việc tìm nhân sự thay thế cũng rất khó khăn.
Ở một khía cạnh khác, điều đó cũng cho thấy, vai trò Chủ tịch nước thực ra ai ngồi cũng được, và không có cũng chẳng sao. Còn Bộ trưởng Công an bây giờ thích ngồi đâu, không còn do Bộ Chính trị quyết định.
Tác giả đặt câu hỏi: Tại sao Tướng Tô Lâm lại chọn thời điểm này để tấn công ông Võ Văn Thưởng, và mục đích thực sự của ông Lâm là gì?
Tác giả phân tích, từ trước tới nay, Tướng Tô Lâm là thanh kiếm sắc trong tay ông Trọng trong công cuộc “đốt lò”. Ông ta có lẽ, hoàn toàn tin rằng, mình là ứng viên số 1 để kế nhiệm ngôi vị Tổng Bí thư. Thế nhưng, điều này đã thay đổi kể từ sự cố “bò dát vàng” năm 2021. Rõ ràng, với scandal để đời này, ông Lâm đã tự để mất điểm trước ông Trọng.
Tác giả nhận định, ông Tô Lâm là người có nhiều kẻ thù. Việc ông ta lập “đại công”, phanh phui 2 đại án “Chuyến Bay giải cứu” và “Kit test Việt Á”, khiến hàng loạt quan chức cấp cao và cấp trung mất chức, vô hình chung đã khẳng định quyền uy tuyệt đối của ông trên sân khấu chính trị Việt Nam. Bộ Công an liên tục mở rộng quy mô, quân số, ngân sách, chế độ đặc quyền và tự áp đặt các chính sách,… gây ra vô số phiền hà cho nhân dân, rối loạn xã hội, tiêu tốn ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tất cả những điều này, ông Trọng và Bộ Chính trị không thể không hay biết.
Tác giả cho rằng, ông Thưởng được coi như “thái tử điện hạ” khi trở thành Chủ tịch nước vào tháng 3/2023 với số phiếu gần tuyệt đối, đã lộ rõ sự thân cận với “bác Trọng”, khiến Tô Lâm nhận ra mình đã không còn là sự lựa chọn nữa.
Trong tình huống này, mọi ứng viên của vị trí Tổng Bí thư đều có khả năng trở thành mục tiêu công kích của Tô Lâm. Võ Văn Thưởng chỉ là cái tên đầu tiên trong cuộc đảo chính không tiếng súng, núp dưới danh nghĩa “đốt lò”. Điều này sẽ dẫn đến thời kỳ hỗn loạn chính trị và nạn kiêu binh tràn lan của lực lượng công an.
‘Đốt lò’ hay đảo chính?
Xuân Hưng – thoibao.de