Ngày 25/3, RFI Tiếng Việt có bài phỏng vấn Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp. Bài phỏng vấn có tựa đề “Việt Nam: Chủ tịch nước bị cách chức, Tổng Bí thư bị tiếm quyền?”
Ông Benoît de Tréglodé nhận xét, trước hết, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải từ chức là một sự kiện có nhiều ý nghĩa. Ông thấy được 3 bài học đầy tính chính trị và tình thế.
Thứ nhất, kể cả người được ông Trọng bảo vệ cũng “ngã ngựa”, có nghĩa là, ông Trọng không còn mạnh như trước đây. Nên nhớ, cách đây ít lâu, đích thân ông Trọng đã can thiệp để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng, vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình. Nhìn từ khía cạnh này thì đây là một điểm rất đáng quan tâm.
Thứ hai, để buộc Chủ tịch nước từ chức, người ta lôi lại một vụ tham nhũng từ cách đây 12 năm, khi ông Thưởng làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi. Có thể thấy, đây chỉ là một cái cớ chính trị để hạ gục một người, hiện trở thành mối nguy hiểm cho những mục tiêu và tham vọng của một số người khác.
Thứ ba, chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng. Hiện giờ, chiến dịch này được điều hành trực tiếp từ Bộ Công an, dưới trướng ông Tô Lâm.
Ông Benoît de Tréglodé cho rằng, một điểm khác cần lưu ý, khi Tổng Bí thư nắm giữ chức Chủ tịch Tiểu ban Nhân sự, ông Trọng muốn ảnh hưởng đến việc chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, việc ông Thưởng bị loại cho thấy, ông Trọng không còn ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm người kế nhiệm tương lai.
Tuy nhiên, ông Benoît de Tréglodé đánh giá, những xáo trộn trong nội bộ không có nghĩa là bộ máy Nhà nước Việt Nam sụp đổ, mà ngược lại, lại được củng cố. Đây chỉ là cuộc tranh giành những vị trí trống và để biết được thực sự rằng, liệu nhân vật quyền lực hiện nay – Bộ trưởng Công an – có đạt được mục tiêu của ông hay không.
Đối với quốc tế, ông Benoît de Tréglodé nhận định hình ảnh của Việt Nam sẽ bị tác động vừa phải, bởi các chuyên gia về rủi ro chính trị của những đại tập đoàn, những nhà đầu tư nước ngoài lớn, không thấy mầm mống bất ổn trong nước, cho nên, tác động kinh tế từ những biến cố chính trị sẽ ở mức vừa phải.
Theo ông Benoît de Tréglodé, giới chuyên gia về chính trị ở Việt Nam thường mượn từ “tin đồn, tin nói hớ”, để hiểu được chuyện sẽ xảy ra như nào. Đối với ông, tất cả những đồn đại này chỉ là các giả thuyết.
Một trong những giả thuyết, đó là, sẽ chọn ra một ứng viên thay thế ông Võ Văn Thưởng, từ nay đến tháng 5. Nhưng nhiều nhà quan sát nghi ngờ là, liệu quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân có giữ chức vụ này thêm một thời gian hay không.
Ngoài ra, cũng có giả thuyết là, gộp hai chức Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, như trước đây. Tuy nhiên, sức khỏe của ông Trọng hiện nay không đủ để giữ cả 2 vị trí.
Vẫn theo ông Benoît de Tréglodé, Bộ trưởng Công an có thể cũng muốn kiêm nhiệm cả 2 chức – Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Đừng quên, ông Tô Lâm đã từ chối giữ chức Chủ tịch nước. Điều quan trọng đầu tiên đối với ông Tô Lâm, có lẽ là phải tìm ra được người kế nhiệm [chức Bộ trưởng Bộ Công an].
Vị trí này có tầm quan trọng đối với ông Tô Lâm, bởi vì, phải để những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai không “động” đến ông ấy. Cho nên, ông Tô Lâm cần một trợ thủ đắc lực, để ông có thể rảnh rang giữ chức vụ mới. Nhưng đó chỉ là những giả thuyết !
Ông Benoît de Tréglodé nhấn mạnh, điều chắc chắn là, Tô Lâm hiện là nhân vật trung tâm của công tác bổ nhiệm các lãnh đạo lớn sắp tới của bộ máy Nhà nước Việt Nam, nên ông ấy sẽ cân nhắc và tính toán. Và có thể nói chắc chắn, chính ông đã khéo léo can thiệp đến chuyện xảy ra hôm nay, với sự từ chức bất ngờ của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Ý Nhi – thoibao.de