Vụ án Đặng Thị Hàn Ni sắp được đưa ra xét xử

Vì sao Bà Nguyễn Phương Hằng và chồng tiếp tục bị triệu tập?

Ngày 19/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Bà Nguyễn Phương Hằng và chồng được triệu tập đến phiên xử nhà báo Hàn Ni và Luật sư Trần Văn Sỹ”.

Theo đó, bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, và chồng – ông Huỳnh Uy Dũng, được triệu tập đến phiên xử nhà báo Hàn Ni và Luật sư Trần Văn Sỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 1/3 tới đây tại Tòa án thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng bà Hằng được triệu tập đến tòa, bởi có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo RFA, nhà báo Hàn Ni và Luật sư Trần Văn Sỹ (thuộc Đoàn Luật sư Vĩnh Long) bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Đây cũng là tội mà bà Nguyễn Phương Hằng bị buộc, và phải chịu án 3 năm tù trong phiên xử vào tháng 9/2023.

RFA dẫn cáo trạng đối với nhà báo Đặng thị Hàn Ni và Luật sư Trần Văn Sỹ, nêu rằng, hai người này đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thực hiện nhiều buổi livestream trên không gian mạng, với những phát ngôn bị cho mang nội dung bịa đặt, dù biết thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa kiểm chứng. Cả hai đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc dạng bí mật đời tư, bí mật gia đình, đời sống riêng tư của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng”.

RFA dẫn lời khai của bà Đặng Thị Hàn Ni, cho rằng, do bà Nguyễn Phương Hằng có những lời lẽ xúc phạm mình, nên phải phản biện lại.

Còn ông Trần Văn Sỹ thì lý giải, do bà Nguyễn Phương Hằng nhục mạ nghệ sỹ, báo chí, gây tác động “tiêu cực”, nên ông góp tiếng nói làm hạn chế ảnh hưởng của bà Hằng.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng và vụ Đặng Thị Hàn Ni khá kỳ cục, khi cả 2 phe chống đối nhau đều bị công an “hốt”, cho đi “bóc lịch”. Kỳ cục hơn khi cả hai phe đều có luật sư tham gia vào, và đều phạm những lỗi như nhục mạ, bươi móc đời tư và xúc phạm nhân phẩm người khác…

Xuất phát điểm của câu chuyện này khá đơn giản, tất cả đều là những vấn đề mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn quan điểm, rồi lôi nhau lên mạng “bóc phốt’. Tuy nhiên, những người trong cuộc, ở cả 2 phe đều đi quá đà, đều quá hiếu thắng và muốn thể hiện. Vụ án này cũng bộc lộ tính xấu của người Việt, dù trong chuyện nhỏ cũng luôn muốn hơn thua đến cùng, và sẵn sàng chà đạp nhau không thương tiếc, để rồi cả 2 bên đều tơi tả. Người Việt khó có khả năng hòa giải, và không có khả năng tư duy logic, phản biện dựa trên lý lẽ và luật lệ.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, trong cả 2 vụ án của bà Hằng và bà Hàn Ni, Công an Sài Thành đã lạm dụng quyền lực khi bắt và kết án người trong cuộc theo Điều 331.

Tội danh của những người này, nếu có, chỉ là tội vu khống, mạ lị… Những tội này thường chỉ bị xét xử trong một phiên toà dân sự, xử phạt hành chính, phạt công ích hoặc đền bù thiệt hại cho đối phương, nếu chứng minh được sự thiệt hại này. Đây hoàn toàn không phải vấn đề hình sự.

Đây cũng là 2 vụ án đầu tiên mà công an sử dụng Điều 331 cho một vấn đề dân sự, khiến giới quan sát lo ngại hơn về khả năng áp dụng mở rộng điều luật này trong đời sống xã hội. Khi đó, bất kỳ kẻ nào có quyền, có tiền, cũng có thể lợi dụng Điều 331 để triệt hạ đối thủ, bởi bất kỳ ai cũng có khả năng có những phát ngôn không hay về đối thủ.

RFA cho biết thêm, bà Đặng Thị Hàn Ni bị bắt vào ngày 24/2/2023. Bà sinh năm 1977 và được truyền thông thành phố Hồ Chí Minh mệnh danh là “Bông Hồng Thép”, sau khi có loạt bài phóng sự điều tra về quán cà phê Xin Chào hồi năm 2016. Nhờ loạt bài phóng sự điều tra đó mà chủ quán cà phê thoát án tù, và tác giả được Giải Nhất Báo chí thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 34.

 

Xuân Hưng – thoibao.de