Ngày 17/ 2 hàng năm, người Việt đều kỷ niệm cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc, vào năm 1979. Năm nay là lần kỷ niệm 45 năm cuộc chiến này.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã cho quân tấn công đồng loạt, dọc theo tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, với mục đích – theo họ tuyên truyền – là “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội và các Diễn đàn Chính trị, nổi lên câu hỏi mà nhiều người dân Việt Nam thắc mắc: “Tại sao có Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhưng lại không có Huân chương Kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược?”
Công luận cho rằng, đây là việc cần có để tri ân những chiến sĩ Việt Nam anh dũng, đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Nếu không, điều này là thiếu công bằng cho những người từng tham gia chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc cũng như chiến trường Campuchia.
Giới quan sát cho rằng, từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa mối quan hệ, thì những cuộc chiến chống Trung Quốc không được nhắc lại nữa.
Lý do, 2 Đảng, 2 nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã cam kết không nhắc lại quá khứ, để xây đắp tình hữu nghị trong hiện tại và tương lai.
Chính quyền Việt Nam đã xoá bỏ nội dung về cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi sách giáo khoa. Chính quyền không tổ chức các buổi lễ kỷ niệm chính thức, đồng thời cũng cấm luôn các buổi lễ kỷ niệm tự phát của dân, về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.
Giới quan sát cho rằng, lãnh đạo Việt Nam từ nhiều năm trước, đã có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, yêu cầu báo chí, truyền thông không được đề cập tới vấn đề “nhạy cảm” này, để làm vừa lòng người láng giềng Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nói với đài Á Châu Tự Do (RFA), khi được hỏi về thái độ im lặng này của chính quyền Việt nam, cho biết:
“Thực tế về cuộc chiến tranh này đã bị cắt bỏ khỏi sách lịch sử, và khỏi những lễ kỷ niệm phổ biến ở Việt Nam, cho đến tận năm 2014. Tôi không nghĩ là bởi vì các lãnh đạo Việt Nam muốn giảm nhẹ một thời kỳ quan hệ của Việt Nam. Bạn có thể tìm đến viện bảo tàng chiến tranh và không thấy có một trưng bày nào về cuộc chiến này với Trung Quốc.
Điều đó, nó là một lỗ đen. Nhưng tất nhiên, với hàng ngàn người dân Việt Nam đã mất người thân trong cuộc chiến, thì cuộc chiến này đã, đang và mãi mãi vẫn tồn tại.”
Trung Quốc đã đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiếm đảo Gạc Ma năm 1988. Hiện nay, Trung Quốc vẫn từng ngày, từng giờ, gây sức ép đối với chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Tình hình đặc biệt căng thẳng tại khu vực Bãi Tư Chính, nơi có một trữ lượng dầu khí rất lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vậy mà, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn coi Ban lãnh đạo Trung Quốc là đồng chí tốt, anh em tốt, bạn bè tốt, coi trọng hơn quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Điều đó cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam xem trọng Trung Quốc, hơn là trung thành với tổ quốc.
Nghiêm trọng hơn, trong những dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm, truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ nhắc tới thương binh, liệt sĩ của hai cuộc “kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”, mà hoàn toàn làm lơ những liệt sĩ, thương binh, đã đổ máu trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc. Đã khiến công luận phải đặt câu hỏi: Phải chăng, các thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến chống Trung Quốc, đã bị chính quyền lãng quên?
Việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp mối quan hệ ngoại giao, lên mức đối tác chiến lược toàn diện, là quyền của Ban lãnh đạo Việt nam. Hà cớ gì, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải nhắc nhở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến ông Trọng sang thăm Bắc Kinh, rằng “không được để cho phương Tây xen vào mối quan hệ của chúng ta”.
Điều đáng nói là, mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước khác, phải được đặt trên nền tảng của sự bình đẳng, tôn trọng sự độc lập, chủ quyền, cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Không thể chấp nhận các biểu hiện nước lớn, lấn át, như cách mà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện.
Không thể chấp nhận cách thức sử dụng mệnh lệnh, ép buộc, trong đối thoại, trao đổi, của lãnh đạo Bắc Kinh với các lãnh đạo đồng cấp Việt Nam, như: “Trung Quốc yêu cầu…; Việt Nam phải …” v.v..
Đối với số đông người Việt, đó là một sự sỉ nhục đối với Việt Nam – một quốc gia độc lập có chủ quyền. Lãnh đạo đất nước không thể nhún nhường quá mức trước Trung Quốc.
Đừng quên, Lý Thường Kiệt đã khẳng định, “Sông núi nước Nam, Vua Nam ở”; hay Trần Bình Trọng đã thề rằng, “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”./.
Trà My – Thoibao.de
14.2.2024