“Qua” Vũ Trung Nguyên, một mình cân cả Việt Nam bằng cách đếm cua trong lỗ!

Ngày mùng 1 Tết, báo CafeF đăng bài “Bước đầu trong kế hoạch kiếm 1.000 tỷ USD của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Mở 1.000 cửa hàng Trung Nguyên Legend tại Trung Quốc và phát triển thành chuỗi trên toàn thế giới?”

Việc một doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ra nước ngoài là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều bất thường là con số 1.000 tỷ USD mà ông Vũ đưa ra. Con số này lớn gấp 2,5 lần GDP của Việt Nam. Nghĩa là, ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn kiếm được số tiền bằng 100 triệu dân làm ra trong 2,5 năm.

Câu hỏi đặt ra là, tổng tài sản của Trung Nguyên hiện nay là bao nhiêu? Hiện nay chưa có con số cụ thể. Tuy nhiên, khi hai vợ chồng ông Vũ và bà Thảo kéo nhau ra tòa ly hôn vào năm 2019, thì khối tài sản chung được định giá vào khoảng 7.750 tỷ đồng, tương đương 322 triệu USD.

Tham vọng kiếm được 1.000 tỷ USD do ông Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra vào năm 2023. Lúc đó, trả lời báo chí, ông Vũ nói rất đơn giản “1.000 tỷ đô la/210 quốc gia. Mỗi quốc “qua” kiếm 5 tỷ đô la. Vậy 1.000 tỷ là tối thiểu rồi, có gì đâu mà khó!” Tức là, ông Vũ đang đếm cua trong lỗ cho kế hoạch chinh phục 1.000 tỷ USD của mình. Còn trong lỗ có cua hay không, hay có cua mà có bắt được hay không, thì ông không cần biết.

Apple là một công ty lớn trên toàn cầu, vốn hóa của công ty này xấp xỉ 3.000 tỷ USD, tuy nhiên, tổng tài sản của họ chỉ 350 tỷ USD. Như vậy, ông Vũ đặt ra mục tiêu là Trung Nguyên của ông sẽ kiếm ra số tiền gấp 3 lần tổng tài sản của công ty Apple?

Trên thế giới, những công ty ngàn tỷ đô đều là giá trị vốn hóa, chứ không phải là nguồn vốn thật có. Như vậy, nếu ông Đặng Lê Nguyên Vũ kiếm về cho Trung Nguyên 1.000 tỷ USD, thì Trung Nguyên của ông có thể vượt mặt rất nhiều ông lớn công nghệ trên thế giới.

Không cần phải so sánh Trung Nguyên với Apple, như thế quá khập khiễng. Có lẽ, so sánh Trung Nguyên với Starbucks là phù hợp nhất. Bởi Starbucks là thương hiệu lớn nhất thế giới và có hệ thống các cửa hàng cà phê rải khắp thế giới. Để đạt được tham vọng 1.000 tỷ USD, ông Vũ cần phải bằng được Starbucks trước đã.

Starbucks đã lên sàn Nasdaq năm 1992, với mã chứng khoán SBUX. Hiện nay, vốn hóa của Starbucks  116,4 tỷ USD (tính đến ngày 29/7/2023). Với mức vốn hóa như vậy, Starbucks được xem là công ty cà phê lớn nhất thế giới, tính theo giá trị thị trường. Hiện nay, Starbuck có hơn 33.000 cửa hàng tại hơn 80 thị trường. Tính đến ngày 28/3/2023, tổng tài sản của Starbucks là 28,6 tỷ USD, gấp gần 90 lần tổng tài sản của Trung Nguyên.

Nổi tiếng với cà phê chất lượng cao, đồ uống sáng tạo và lòng trung thành của khách hàng, Starbucks đã được tạp chí Fortune xếp hạng là một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới, trong hơn hai thập kỷ, và hiện chưa có đối thủ xứng tầm.

Có lẽ, họ đang đợi Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ lớn lên chăng?

Phải thừa nhận rằng, ông Vũ là một doanh nhân thành công ở lĩnh vực cà phê, ông được mệnh danh là “vua cà phê” Việt Nam. Tuy nhiên, việc thông báo mục tiêu kiếm 1.000 tỷ USD của ông bị nhiều người đánh giá là “hoang tưởng”.

Có lẽ, ông Vũ nên đặt mục tiêu để Trung Nguyên trở thành công ty tỷ đô thì thực tế hơn. Sau đó, ông tiếp tục đặt mục tiêu cho bản thân, để đứng vào hàng ngũ tỷ phú Việt Nam. Và cao hơn nữa, ông nên đặt mục tiêu để Trung Nguyên tiệm cận với Starbucks trước đã. Có bằng người ta, thì mới tính được bài toán vượt mặt.

Ở Việt Nam, cũng có một doanh nhân ngành điện thoại thông minh, xây dựng thương hiệu bằng cách “nổ như bắp rang”, và giờ đây, ông ta đang phải đối diện với nguy cơ giải thể doanh nghiệp.

Nói là quyền, tuy nhiên, nói không trung thực thì khó mà xây dựng được thương hiệu lớn mạnh. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp, không thể đến bằng cách khoác lác được.

Trà My – Thoibao.de

13.2.2024