Ngày 2/2, báo Tiếng Dân đăng bài “Luật pháp ở Việt Nam” của tác giả Kim Văn Chính.
Thoibao.de giới thiệu trích lược bài viết này đến quý độc giả, nội dung như sau:
- Bà Ngô Bá Thành, Luật sư học ở Pháp về nước, người hoạt động nội gián trước 1975 ở Sài Gòn, sau làm đến Đại biểu Quốc hội vài khóa, chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã nói một câu rất nổi tiếng: “Chúng ta có một rừng luật, nhưng chỉ có một luật duy nhất hoạt động – đó là Luật rừng”.
Vậy luật rừng là gì?
Người Việt hầu như ai cũng hiểu từ luật rừng, vì nó rất phổ quát mọi lúc, mọi nơi. “Đó chính là những quy tắc hành xử không tuân theo quy định hoặc trái quy định của pháp luật chính thống. Hiểu theo nghĩa bóng thì đây là những quy tắc hành xử kiểu “rừng rú” giữa các loài vật với nhau, theo kiểu kẻ mạnh có quyền bắt nạt, tiêu diệt kẻ yếu làm mồi ăn cho mình, kẻ yếu phải trốn tránh, vị nể và lừa gạt (ngụy trang, ẩn giấu mình, dối trá) kẻ mạnh để sinh tồn”.
Trong khi ở Việt Nam ai cũng hiểu luật rừng là gì, thì bên phương Tây rất ít người hiểu. Luật rừng ở phương Tây không được coi là một từ thuật ngữ, mà chỉ coi là một thành ngữ để ám chỉ “một tình huống, trong đó không có luật lệ hay quy tắc nào chi phối cách mọi người cư xử và mọi người sử dụng vũ lực để đạt được điều họ muốn. Mọi người chạy theo lợi ích cá nhân và dùng mọi sức mạnh quyền uy có được để đạt tới nó”.
Luật rừng nghĩa là không có luật theo nghĩa chính danh, tử tế và minh bạch, nghĩa là mọi chuyện đều được xử lý bằng uy quyền, thế lực, địa vị xã hội, tiền bạc (Nhất thân, nhì quen, tam quyền, tứ chế).
Luật rừng thống trị trong “xã hội đen” – tức các tổ chức mafia, tội phạm có tổ chức.
Rất tiếc là luật rừng lại phổ biến trong xã hội ta, mặc dù nó là thứ luật hắc ám, không chính danh, phải dựa vào luật chính danh để tồn tại…
- Căn nguyên lịch sử
Chính quyền Cộng sản đầu tiên trên thế giới là chính quyền Liên Xô, ban đầu thành lập với các định chế mới của chính quyền mới, theo công thức của Lênin “tất cả mọi quyền lực thuộc về các Soviet”.
Sau đó, cấu trúc mới của chính quyền Soviet tỏ ra mâu thuẫn, bế tắc và kìm hãm, đến 1946 Stalin đã cải tổ hệ thống kiến trúc thượng tầng Liên Xô. Theo đó, học theo rất nhiều các định chế của các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây: Các luật được ban hành; các bộ được hình thành như cơ cấu các bộ ngày nay; các Soviet địa phương được cải cách, chỉ giữ lại Soviet tối cao và chức năng y như Quốc hội. Nhưng trùm lên tất cả vẫn là Đảng và Đảng có quyền bất thành văn, lãnh đạo toàn xã hội. Đảng lại lạm dụng luật để nắm ngành an ninh (KGB) để thống trị xã hội, tạo ra quyền lực lớn cho ngành an ninh…
Cơ chế của luật rừng hình thành…
Việt Nam (thể chế hiện nay) học nguyên xi mô hình Soviet, mang về áp dụng.
- Mô hình luật rừng bị lên án và tỏ ra bế tắc vào cuối thập niên 1980.
Nhóm nước Đông Âu sau một hồi vật vã, họ đã cơ bản loại bỏ được luật rừng để sinh đẻ ra một xã hội chuẩn văn minh.
Nhóm Nga và các nước vẫn theo Nga, sau một hồi vật vã suýt chết, lại sinh ra một quái thai mới, còn kinh tởm hơn mô hình xưa: Mô hình quái vật Putin độc tài và rừng rú hơn xưa…
Nhóm thứ ba gồm Việt Nam, Trung Quốc lửng lơ con cá vàng, học theo phương Tây, cải cách thể chế, tưởng sinh ra đứa con khỏe mạnh gọi là Chế độ pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng ai dè, nó cũng chỉ là một loại quái thai của Chủ nghĩa Tư bản thân hữu, với lợi ích nhóm kinh tế, nhóm chính trị. Trong xã hội như vậy, không thể loại bỏ luật rừng.
- Cổng phụ của Đại học Luật Huế rất có ý nghĩa.
Tôi tin rằng, Kiến trúc sư là người có ý tưởng hay khi thiết kế chiếc cổng này. Không nên phá bỏ nó.
Quang Minh – thoibao.de
4.2.2024