Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, trong năm 2018, Việt Nam đã xảy ra hơn 18 ngàn vụ tai nạn giao thông. Trong đó, chiếm đến 70% số vụ tai nạn giao thông là do lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông, khiến cho 8.125 người thiệt mạng và 14.194 người bị thương nặng nhẹ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết, khi khảo sát hơn 18 ngàn nạn nhân tai nạn giao thông tại Việt Nam, thì có đến 36,5% người điều khiển xe máy, và 66,8% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Đó là lý do, WHO xếp Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Asean, về số người chết do tai nạn giao thông.
Chính quyền Việt Nam đưa ra chính sách cấm người lái xe có hơi men, được công luận đồng tình, nhất là việc lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý quyết liệt đối với các lái xe say xỉn. Nhờ đó, số vụ tai nạn giao thông trên đường đã giảm hẳn, cũng như đang thay đổi thói quen của một bộ phận người dân thích nhậu nhẹt, là điều đáng hoan nghênh.
Theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ hiện hành, không cấm tuyệt đối nồng độ cồn 0% khi lái xe, mà quy định ngưỡng nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, cả xe hơi và xe gắn máy, là trên 50 miligam/100 mililít máu, hoặc trên 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Tuy nhiên, mới đây, trong Dự án Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), việc cấm uống rượu bia khi lái xe một lần nữa được đưa vào luật. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 8, Dự thảo Luật quy định, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đối với quy định mới này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều.
Được biết, trên thế giới chỉ có khoảng 20 quốc gia (phần lớn là theo Hồi giáo) là có quy định ngưỡng nồng độ cồn là 0%, trên mức này là sẽ bị phạt. Trong khi, các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ áp dụng “vùng xanh”, với mức phạt từ 0,05% (50 miligam/100 mililít máu) trở lên.
Việc quy định ngưỡng xử phạt vi phạm nồng độ cồn, ở mức 0%, cũng dẫn đến các tác động không tốt đối với đời sống, kinh tế và xã hội.
Cụ thể, việc tăng cường xử phạt nồng độ cồn đã có tác động không nhỏ đến lợi nhuận của các công ty sản xuất, cũng như các cơ sở kinh doanh bia rượu, trong năm 2023.
Theo VnExpress, chỉ trong hai tháng cuối năm 2023, sau khi Công an thành phố Hồ Chí Minh phát động chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, về kiểm tra nồng độ cồn đối với các lái xe, thì các quán nhậu trở nên vắng vẻ. Bởi các đội Cảnh sát Giao thông đã đến túc trực tại những con đường tập trung nhiều quán bar, nhà hàng và quán nhậu, đã khiến người dân bỏ bớt thói quen nhậu nhẹt.
Giới quan sát ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, các quán nhậu ở khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình) và hai bên bờ kè đường Trường Sa – Hoàng Sa, kéo dài từ quận Bình Thạnh đến quận 1, trước đây thường xuyên tấp nập khách hàng bất kể giờ giấc, nhưng gần đây đã trở nên vắng khách. Nhiều chủ quán đã phải đóng cửa, sang nhượng mặt bằng do kinh doanh thua lỗ.
Theo báo Tuổi Trẻ online, báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cho thấy, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 609 tỷ đồng, giảm 3% so với 2022 và lợi nhuận sau thuế giảm tới 25%, chỉ đạt 43,4 tỷ đồng.
Còn Công ty Bia Hà Nội – Thanh Hóa (THB) cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ chỉ trong quý 4/2023 đã giảm 2,9 triệu lít so với cùng kỳ. Và điều tương tự cũng xảy ra đối với các công ty bia rượu khác, như Habeco, Sabeco và Bia Huế…
Qua tìm hiểu của phóng viên thoibao.de, được biết, nguồn cơn của tình trạng trên xuất phát từ Nghị định 100 của Chính phủ, ban hành năm 2019 và Nghị định mới nhất do Bộ Công an ban hành vào cuối năm 2023, về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông”.
Nhưng quan trọng hơn cả, theo nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương được Quốc hội thông qua chiều ngày 10/11/2023, Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông, 15% còn lại dành cho các địa phương để chi cho các lực lượng khác. Điều đó đã kích thích sự “hưng phấn” làm tiền của lực lượng Cảnh sát Giao thông, khiến lực lượng này bất kể nắng mưa, 24/7 có mặt trên đường để hành dân.
Công luận thấy rằng, việc Quốc hội cho phép Bộ Công an được hưởng tới 85% tiền phạt, là nhà nước mặc nhiên cổ vũ và khích lệ việc xử phạt, đó là hành vi “coi dân là con bò sữa”.
Dù rằng, chủ trương cấm người có nồng độ cồn cao khi điều khiển phương tiện giao thông là hợp lý, góp phần giảm thiểu tai nạn, nhưng cũng không nên áp dụng một cách quá cứng nhắc như hiện nay./.
Trà My – Thoibao.de
4.2.2024