Khế không chín rụng chỉ trong một đêm

Ngày 30/1, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Khế không chín rụng chỉ trong một đêm” của blogger Nguyễn Nhơn.

Tác giả cho biết, trong khoảng gần 40 năm trước, ông Nguyễn Công Khế là một Tổng Biên tập sắc nét trong làng báo Việt Nam.

Lúc đó, tờ Thanh Niên chỉ là một tờ báo nhỏ, nhưng có một chuyên mục cực kỳ quan trọng. Đó là nơi tờ báo thể hiện chính kiến về những vấn đề thời sự, trong các lĩnh vực chính trị – xã hội – pháp luật – văn hoá.

Theo tác giả, thời đó, chính kiến, thái độ, thông điệp của một tờ báo trước các vấn đề xã hội nóng bỏng, chính là thang đo thứ bậc, vị thế của tờ báo đó trong làng báo, trong sự đánh giá của chính quyền cũng như của độc giả. Và ông Nguyễn Công Khế là Tổng Biên tập hiếm hoi trực tiếp viết đều đặn trên chuyên mục này của báo Thanh Niên.

Nhưng tài năng của ông Khế có lẽ trội hơn hết ở khả năng điều hành, dẫn dắt, phát triển tờ báo.

Vẫn theo tác giả, hầu hết các tờ báo Hội đều làng nhàng, vô dụng y hệt nhau, và đều bám sát cơ quan chủ quản đặt ở Hà Nội, như bám sát bên mẹ đòi bú. Riêng báo Thanh Niên đặt trụ sở tại Sài Gòn – mảnh đất vàng của báo chí, và nổi lên như tờ báo chính trị xã hội số 1 số 2. Tuy số lượng phát hành không cao, nhưng Thanh Niên có thể phát hành rộng rãi khắp cả nước.

Tác giả đề cập đến việc ông Khế cho ra đời chương trình “Duyên dáng Việt Nam”, vào năm 1994, gần như quy tụ tất cả các gương mặt sáng giá, từ đạo diễn, nhạc sĩ, ca sĩ, người mẫu… Nhiều khán giả có thể không biết đến báo Thanh Niên, nhưng Duyên dáng Việt Nam thì ai cũng biết.

Tác giả nhắc đến đại án PMU 18 vào năm 2006, dính líu đến cả một số quan chức Chính phủ, nên có sức cản ghê gớm, ngăn chặn thông tin từ cơ quan điều tra. Khi các báo tung quân tự điều tra, đã tạo ra xung đột mạnh mẽ với cơ quan điều tra và những người bị điều tra.

Ngày 12/5/2008, nhà báo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Ngay hôm sau, số lượng tin tức tự điều tra về PMU 18 trên mặt các báo giảm tụt dốc.

Nhưng, sáng 14/5/2008, trang bìa báo Thanh Niên chạy hàng tít lớn: “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”, khiến làng báo toát mồ hôi giùm cho ông Khế. Không biết sợ à mà dám vỗ mặt hùm như thế?

Tác giả nhận xét, khi gặp những vấn đề “nhạy cảm” mà theo Ban Tuyên giáo là dễ gây ra các bình luận không tốt về khả năng quản lý của nhà nước, thì họ sẽ can thiệp, yêu cầu dừng loạt bài hoặc không tiếp tục đưa tin về sự việc đó nữa.

Tuy nhiên, các tổng biên tập sẽ né tránh bằng cách tắt điện thoại, lấy lý do điện thoại hỏng, đi công tác… để không nhận cuộc gọi từ Ban Tuyên giáo. Dù Tuyên giáo có tức giận thì cũng là chuyện đã rồi, chỉ có thể phê bình kiểm điểm, chứ không làm gì được tờ báo.

Ông Nguyễn Công Khế từng là một tổng biên tập cứng đầu như vậy.

Tuy nhiên, tác giả tiếp tục cho hay, ông Khế cũng là tay siêu nịnh bợ. Năm 2007, ông Võ Văn Thưởng lúc đó là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn và việc đi nắm bắt tình hình cơ sở là việc làm bắt buộc và rất bình thường. Nhưng Thanh Niên lại căng một tấm ảnh to hết cỡ trên trang nhất, cùng dòng tít: “Anh Võ Văn Thưởng đi cơ sở” – một việc làm vô bổ chỉ để nịnh bợ.

Không những thế, ông Khế còn tận dụng đám tang mẹ mình để phô trương thanh thế. Tác giả nhắc lại, ngày 5/9/2007, toàn bộ 10 trang của báo Thanh Niên đăng kín mít lời cảm tạ của gia đình ông Khế đến gần 200 cá nhân và đơn vị đã đến chia buồn.

Tác giả dẫn bình luận của một nhà báo kỳ cựu: “Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu [mẹ ông Khế]. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế”

Ông Khế cố ý mắc dính tên tuổi những lãnh đạo chóp bu của cả hệ thống chính quyền vào một việc hoàn toàn cá nhân, chắc chắn không vì để cảm ơn họ, mà là để phô trương mối quan hệ, khuếch trương thanh thế, rất dọa người.

Từ đó, tác giả dẫn nhận định của nhiều người, rằng: Nguyễn Công Khế có tài, nhưng cũng chính là một tay ngụy quân tử.

Tác giả cho rằng, dù là khế hay quýt, cam, bòng, bưởi, đều không thể chín rụng chỉ sau một đêm. Ngụy quân tử thì cũng có một phần quân tử.

Nếu có thể khám phá, thì hành trình tự chín rụng đó có lẽ sẽ rất đáng để đưa vào các sách chống tham nhũng.

Thu Phương – thoibao.de

31.1.2024