Ngày 31/1, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Đánh cho nó một bài” của blogger Nguyễn Nhơn.
Tác giả dẫn hồi ký “Lời ai điếu” của nhà báo Lê Phú Khải viết về ông Nguyễn Công Khế:
“Nếu phải chọn một ông tổng biên tập thật điển hình cho thời kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, thì phải chọn Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên.”
Nhà báo Lê Phú Khải kể, ông đã bị Nguyễn Công Khế lừa một vố đau. Vào cuối năm 2002, ông đã viết một bài báo vạch trần thủ đoạn của ông Trần Mai Hạnh [cựu Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam VOV] và ê kíp của ông ta, về việc tiêu tiền tỷ của ngân sách nhà nước, để đi thuê và mua nhà làm cơ quan thường trú khắp nơi. Sau những thương vụ như thế, ê kíp của ông Hạnh đã phất lên nhanh chóng.
Ông Khải gửi trực tiếp bài báo đến cho ông Khế, vì tin báo Thanh Niên là tờ báo tích cực chống tiêu cực, nhưng đợi mãi không thấy đăng bài. Sau đó, ông được biết là ông Khế đã gửi bài của ông ra Hà Nội cho bên an ninh, để “giữ uy tín” cho nhà nước. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài VOV để tống tiền Kim Cúc (Phó Tổng giám đốc) và Trần Mai Hạnh!
Tác giả nhận xét, thực ra, cái chiêu gửi bài viết tố cáo tiêu cực cho chính người bị tố cáo, là chiêu thông thường và hay được các quan báo bẩn xài nhất, vì nó dễ, mà hiệu quả luôn luôn như, hoặc trên cả những gì họ mong đợi.
Tất nhiên là họ mong đợi tiền, hoặc quyền, hoặc cả hai.
Tác giả cho biết, một tổng biên tập nắm giữ vô số thông tin có giá trị, nếu là báo Nhà nước thì ít nhất có thể “phiên” ngang thành phó sở, hoặc giám đốc sở, hoặc vụ phó, vụ trưởng, từ đó có thể leo cao hơn nữa, kiếm bẫm hơn nữa.
Và muốn tống tiền thiên hạ, thì phải bắt được thóp người ta cái đã. Các phóng viên giỏi nhất của các báo sẽ được giao nhiệm vụ điều tra những cá nhân, đơn vị “có mùi”, để phanh phui sự thật trên mặt báo. Hầu hết, họ đều tự nguyện làm việc với niềm tự hào, vì lên tiếng cảnh báo và vạch trần cái xấu, cái ác, nhằm bảo vệ xã hội chính là một sứ mệnh của báo chí.
Nhưng nếu cấp trên của họ là kẻ ngụy quân tử, hoặc gian tham thâm hiểm, thì lý tưởng và sự cống hiến, thậm chí hy sinh vì nghề nghiệp của các nhà báo trung thực sẽ trở thành chiếc đệm lót chân sang trọng, mang lại tiền tài danh vọng cho các cấp trên của họ.
Tác giả tiếp tục cho hay, những tổng biên tập kém sắc sảo hơn, thì bán mình trọn gói cho doanh nghiệp lớn nào đó, thực sự làm chân làm tay, luôn luôn chạy các tin bài ca ngợi doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp đó tận mây xanh. Đặc biệt, khi doanh nghiệp có những sự việc hoặc tin đồn bất lợi, thì “báo nhà” xù lông xù cánh lên bảo vệ bất chấp, “đập tan các luận điệu phản động”.
Thù lao cho hợp đồng nằm trong hai gói: Một, công khai, trả cho tờ báo dưới danh nghĩa các gói tài trợ, quảng cáo. Hai, cho cá nhân tổng biên tập, bằng tiền và những chuyến đi nước ngoài ăn chơi bét nhè, miễn phí toàn bộ chi phí còn kèm thêm tiền tiêu vặt và quà mang về.
Dưới trướng những tổng biên tập lính đánh thuê dĩ nhiên là một đội lính đánh thuê thấp cấp hơn, nhưng độ thô thiển, ti tiện và tham lam chỉ hơn không kém, bất chấp thông tin bịa đặt.
“Đánh cho nó một bài” – là câu mà tác giả rất thường nghe từ phía các nhà báo/phóng viên đánh thuê. Tác giả cảm thán, thật đúng là “Dùng cán bút làm đòn xay doanh nghiệp!”
Tác giả nhận định, “xay doanh nghiệp” là chuyện nhỏ. Các lính đánh thuê xay cả nhân sự lãnh đạo cao cấp. Họ tham gia vào những trò hạ bệ, tâng bốc, dìm dập nhau của các tai to trước những kỳ đại hội Đảng. Các quan báo đánh thuê pha trộn nửa thật nửa giả vào các tin đồn xấu về đối thủ của “chủ tử”, rồi tung lên kín các mặt báo và mạng xã hội. Chiêu này nhẹ nhàng nhưng nếu tổ chức tốt việc nội ứng ngoại hợp, thì hiệu quả to vô cùng.
Xuân Hưng – thoibao.de
31.1.2024