Lâu nay, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế vẫn là người bị số đông đánh giá là kẻ khó ưa, đặc biệt báo giới Việt Nam. Trước đây, nhiều người cảm thấy sợ ông Khế, khi ông đang có quyền hành. Nhưng trong làng báo cho rằng, đó là ngoài mặt, người ta tránh va chạm, còn thực chất trong tâm can, thì họ căm thù Nguyễn Công Khế đến tận xương tủy.
Cựu nhà báo Lê Phú Khải trong bài viết, “Mặt thật của các Tổng Biên tập”, nói về giới lãnh đạo báo chí ở Việt Nam nói chung, và ông Nguyễn Công Khế nói riêng, đã đánh giá:
“Trong chế độ toàn trị, một Tổng Biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng… thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai”.”
Nhà văn Nhất Phương có một bài viết về Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế. Giới cầm bút đánh giá, bài viết này của Nhất Phương đã lột trần bản chất lưu manh cơ hội của Khế. Bản chất này Khế đã bộc lộ từ lâu. Bản thân ông Nhất Phương đã từng đụng độ với Khế. Nhưng phải đến khi Nguyễn Công Khế bị bắt, thì tác giả cũng như nhiều người khác mới dám viết ra. Theo tác giả, điều đó “chứng tỏ [Khế] là người nham hiểm và có thế lực”.
Trong bài viết ngày 17/1/2024 có tựa đề, “Nhất Phương – KHẾ, mày chua hay ngọt!?” dài khoảng 2.800 từ, tác giả tự giới thiệu “từ 1998, mình được giao trọng trách Trưởng phòng Quản lý Thông tin của Sở Văn hoá Thông tin thành phố [Hồ Chí Minh].”
Nhất Phương cho biết, tác giả và Nguyễn Công Khế – từ chỗ là bạn làm báo, rồi trở mặt thành thù đến mãi sau này. Mọi việc bắt đầu từ một cuộc họp của Ban Tư tưởng Trung ương với Ban Biên tập báo Thanh Niên. Tác giả là khách mời và đã thẳng thắn, chân tình góp ý với ông Khế, rằng:
“Riêng với anh Khế, tôi thành thật góp ý với tình anh em bè bạn, rằng: Anh em báo chí và quản lý nhà nước về báo chí hay truyền tai nhau mấy câu có ngụ ý không hay về anh, ví dụ: “Thằng Khế là thằng lừa thầy, phản bạn, là thằng tiểu nhân, chơi không được, không ai gần. Nó mà ra tay đánh ai, nhất là bằng sức mạnh của tờ báo, thì… hầu như không ai thoát chết”.
Nhà văn Nhất Phương còn cho biết thêm, đó là ý kiến của “Anh Tường – chuyên gia quản lý báo chí mấy chục năm, nhắn tôi phải góp ý thẳng với Nguyễn Công Khế, để các đồng chí lãnh đạo Trung ương tới dự cùng nghe. Và tôi đã làm đúng với lời nhắn gửi của chuyên gia cao niên quản lý ấy.”
Vậy mà, ngay sau đó, ông Khế đã gây áp lực đến lãnh đạo cấp cao để trả thù ông Nhất Phương.
Vẫn theo tác giả Nhất Phương, hầu như mọi lúc, mọi nơi, tác giả đều nghe nói về sự đểu cáng, tiểu nhân của Khế. Bên cạnh sự thành đạt vang trời trong tư cách một cán bộ Cách mạng đầy tài năng và bản lĩnh, thì tiền của của Khế không kém bất kỳ một đại gia nào trên đất nước Việt Nam này.
Nhất Phương cho rằng, ông Khế quả thật là có tài, bởi ông lừa được cả những người thông minh và tài giỏi vào loại bậc nhất Việt Nam! Dẫu vậy, trong mắt tác giả, Nguyễn Công Khế vẫn là kẻ quỷ quyệt, gian tà, và mãi mãi là “thằng người” đáng khinh bỉ nhất trên thế gian này!
Điều kể trên đã cho thấy, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên là hiện thân của một hình mẫu phản diện điển hình, đồng thời rất giàu có.
Về mức độ giàu có của Nguyễn Công Khế, Facebooker Kim Van Chinh mô tả:
“Tài sản riêng của Khế hiện nay không ai có thể đo tính được, vì 1 người khôn lanh như Khế đủ hiểu luật chơi của chế độ này, và hắn ta đã tẩu tán tài sản riêng sang các dạng tài chính và bất động sản để ở nước ngoài (con Khế hiện đang ở Mỹ, chỉ riêng mảng bất động sản, con Khế sở hữu ít nhất đã có 3 căn biệt thự)”.
Nhà báo Đỗ Duy Ngọc đưa ra một nhận xét phù hợp với đánh giá của ông Kim Văn Chính, cho rằng:
“Một anh từng là Tổng Biên tập tờ báo lớn, sau khi thu vén được hàng triệu đô la bèn đưa hết vợ con qua Mỹ, sắm nhà to, xe đẹp, còn anh thì qua lại hai nước, lâu lâu viết bài biểu diễn lòng yêu nước thương dân, trăn trở với tiền đồ tổ quốc, khóc than cho dân nghèo, kinh tế chậm lớn, Đảng lao đao.”
Nhà văn Tưởng Năng Tiến, một cựu thuyền nhân tị nạn Cộng sản, từ Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi: “Thế Nguyễn Công Khế đã “biểu diễn lòng yêu nước” ra sao mà bị than phiền như vậy?”
Hỏi cũng là trả lời, nhà văn Tưởng Năng Tiến ngay sau đó đã đưa ra một đề nghị:
“Nguyễn Công Khế nên đặt ra cho chính mình, về khối tài sản của ông ở trong cũng như ngoài nước, về chuyến xuất ngoại êm ru của cả gia đình mình, trong khi thiên hạ thì phải đi chui mà tiền mất, mạng vong.”
Như vậy, có sự trái ngược trong suy nghĩ của giới trí thức nói chung, hay giới báo chí nói riêng, và cả lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, những người chịu ơn “mưa móc” từ Nguyễn Công Khế – một người được đánh giá là trùm tài phiệt, trùm truyền thông của nền báo chí Cách mạng.
Nhưng công luận vẫn thắc mắc, “Vì sao Nguyễn Công Khế bị giới báo chí cực ghét, còn lãnh cấp cao Việt Nam lại tin yêu?”./.
Trà My – Thoibao.de
19.1.2024