Vì sao N.C.Khế bị bắt?

Ngày 17/1, báo Tiếng Dân có bài bình luận “Vì sao Nguyễn Công Khế bị bắt?” của nhà báo Kim Văn Chính.

Tác giả nhận xét, nhà báo Nguyễn Công Khế bị bắt gây chấn động dư luận. Những người thạo tin thấy đây là vụ án lớn, đánh dấu bước tiến đáng kể của công cuộc chống các thế lực hắc ám, còn dân thường có khi không hiểu ông Khế là ai, bắt ông ấy vì tội gì.

Các báo chỉ đăng tin về việc ông Khế bị bắt, ít báo viết về nguyên do bắt và phân tích các hệ lụy của việc này.

Tuy nhiên, đây là vụ án lớn và phức tạp sẽ liên quan đến rất nhiều quan chức, thế lực…

Tác giả cho biết, ông Khế là cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, khi ông đến tuổi nghỉ hưu thì đệ tử là Nguyễn Quang Thông làm Tổng Biên tập. Ông Thông cũng bị bắt cùng ông Khế trong đợt này.

Theo tác giả, báo Thanh Niên thành lập năm 1986, khi bắt đầu “đổi mới”. Đây là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thanh niên.

Dưới ảnh hưởng của không khí đổi mới thời Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trần Độ… báo Thanh Niên nhanh chóng giành thế thượng phong trên mặt trận báo chí – quyền lực thứ tư.

Báo Thanh Niên trở thành cơ quan không những quyền lực, mà còn rất giàu có. Và Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên ra đời, ông Khế hiện nay vẫn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn này. Công ty này thực chất là bộ máy kinh tài tư nhân núp sau báo Thanh Niên, mà ông Khế là người có cổ phần lớn nhất. Do vậy, ông Khế không chỉ là nhà báo nhà nước, mà còn là một doanh nhân tư nhân tầm cỡ…

Vẫn theo tác giả, tài sản riêng của ông Khế hiện nay không ai có thể đo tính được, vì một người khôn lanh như ông Khế, đủ hiểu luật chơi của chế độ này. Hắn ta đã tẩu tán tài sản riêng sang các dạng tài chính và bất động sản để ở nước ngoài. Nguồn tin có bằng chứng từ ông Bùi Thanh Hiếu cho biết, con ông Khế sở hữu ít nhất 3 căn biệt thự ở Mỹ.

Tác giả cho hay, ở Việt Nam, báo chí không lộ rõ là cơ quan quyền lực thứ tư, nhưng trên thực chất, quyền lực báo chí có khi còn lớn hơn cả thứ quyền lực thứ tư gán cho nó. Bởi công an chỉ sợ duy nhất nhà báo.

Nhiều tay lừa đảo kinh doanh thứ quyền lực này, bằng cách nhân danh nhà báo, bảo kê các xe tải chở quá trọng, quá khổ, dán lô gô bảo kê, đi suốt tuyến, công an phải sợ. Ai không sợ chúng gọi điện dọa dẫm ngay công an liền…

Nhiều vụ án lớn, khó, cơ quan quyền lực muốn kết tội, bắt bớ, toàn phải dựa vào báo chí khởi động dư luận, rồi mới dám vào cuộc…

Tác giả nhắc lại, vụ Năm Cam nổi tiếng nhất thì có nhà báo Trần Mai Hạnh, lúc đó là Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, là người bảo kê cho Năm Cam.

Do vậy, trong một số đường dây quyền lực, báo chí có khi được làm “trùm cuối”.

Tác giả nhận định, một trong “trùm cuối” hiếm hoi ở Việt Nam, chính là người mang tên Nguyễn Công Khế.

Bắt ông Khế không dễ, vì cáo già đó, qua các vụ bắt và xử tội các “đồng nghiệp”, như Trần Mai Hạnh, Trương Duy Nhất… đã rất cảnh giác, tinh khôn trong các hoạt động bảo kê gây tội ác.

Tác giả nêu ví dụ, vụ Việt Á, rõ ràng là ông Khế có liên quan, nhưng các bằng chứng không đủ để kết tội.

Sơ hở chính của ông Khế là tài sản. Ông đủ tinh khôn để giấu tài sản thật, và biến báo sổ sách kế toán của Công ty ông làm Chủ tịch.

Nhưng, tác giả nhận định, dấu vết thì khó xóa. Một trong những dấu vết đó là khu đất vàng hơn 7.000 m2 tại Bến Vân Đồn, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Khế đã biến khu đất này, từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân. Hiện nay lý do để bắt ông Khế và ông Thông, chính là tội đó.

Tác giả bình luận, chúng ta chờ xem các bước tiếp theo của vụ án này. Nó khá hấp dẫn vì liên quan đến nhiều quan chức, và người chịu tội chính, không phải là các tội phạm tầm thường, như các vụ án khác. Tội phạm Khế là “trùm cuối” rất điển hình của xã hội hiện nay.

Xuân Hưng – thoibao.de

17.1.2024