Ngày 6/1, VinFast thông báo, ông Phạm Nhật Vượng thay thế bà Lê Thị Thu Thủy làm Tổng Giám đốc VinFast, thay vào đó, bà Lê Thị Thu Thủy lại làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast. Nghĩa là, ông Phạm Nhật Vượng với bà Lê Thị Thu Thủy đổi vai trò cho nhau.
Đưa tin về việc này, tờ CafeF giật tít thật kêu “Trực tiếp điều hành VinFast, ông Phạm Nhật Vượng chính thức ra mặt đối đầu Elon Musk”. Dường như, ông Phạm Nhật Vượng đeo găng thượng đài đấu tay đôi với tỷ phú số 1 thế giới Elon Musk. Giả sử, đây là cặp đấu thật, thì cũng không thể ngang tài ngang sức, mà chỉ như châu chấu đá xe.
So sánh sức mạnh của VinFast và Tesla, thì là một trời vực. Một bên là hãng startup đang chật vật kéo dài sự sống, bên kia là hãng đã khẳng định vị trí số một thế giới về mảng ô tô điện. Về doanh số thì lại càng chênh lệch, Tesla có doanh số toàn cầu lên đến triệu chiếc, còn VinFast chỉ là vài chục ngàn chiếc. Trong đó, ông Vượng còn tự bán cho chính mình với một tỷ lệ đáng kể.
So sánh giữa Elon Musk và Phạm Nhật Vượng, thì cả hai ông này đều được gọi là doanh nhân và đều là CEO của hãng xe chính mình. Ngoài ra, hai ông này có sở trường rất khác biệt.
Điều đáng nói là, ông Elon Musk trưởng thành từ môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhưng đầy khốc liệt của thị trường Mỹ. Một khi đã khẳng định sự thành công trên thị trường Mỹ, thì cũng rất dễ thành công trên thị trường toàn cầu. Còn ông Vượng thành công trong môi trường cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam, nên khi ra thế giới, rất khó để trụ vững. Và thực tế đã chứng minh điều đó.
Về sở trường, rõ ràng ông Elon Musk rất mạnh về mảng công nghệ. Ông từng sáng lập PayPal – một Công ty thương mại điện tử thanh toán trực tuyến. Hiện nay, ông Elon Musk đang nắm giữ X (tức Twitter), SpaceX và Tesla. Tất cả đều là những công ty công nghệ lừng danh thế giới.
Trong khi đó, sở trường của ông Phạm Nhật Vượng là bất động sản, mà là bất động sản tại Việt Nam. Công ty Vinhomes của ông Vượng được hưởng lợi không ít từ chính sách của chính quyền Cộng sản. Còn về lĩnh vực công nghệ, ông Phạm Nhật Vượng chưa thấy có thành tựu nào.
Phải nói rằng, ông Phạm Nhật Vượng rất có tham vọng trong lĩnh vực công nghệ, nhưng cho tới nay, ông đã thất bại vài lần trong lĩnh vực này.
Cụ thể, năm 2021, VinGroup cho công ty con của họ là VinSmart dừng sản xuất TV và điện thoại di động. Hồi tháng 10/2023, VinGroup tuyên bố giải thể Công ty Cổ phần Giải pháp và Dịch vụ công nghệ Vantix. Đây là một công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Nếu xét về lĩnh vực ô tô điện, thì rõ ràng, đây là sở đoản của ông Vượng, chứ không phải sở trường. Trong khi đó, đây là lĩnh vực sở trường của ông Elon Musk. Như vậy, nếu “đấu nhau”, thì rõ ràng, ông Vượng dùng sở đoản của mình để đấu với sở trường của đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần. Không những thế, ông Vượng còn đấu “trên sân khách”, nếu không bị đối thủ “đè bẹp”, thì cũng đã là thành công to lớn rồi.
Thực ra, báo chí Việt Nam đang thực hiện vai trò của họ. Đó là vai trò nô bộc cho Vin và cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ đơn giản là việc thay đổi nhân sự của VinFast thôi, mà báo chí cũng phải kéo Elon Musk vào, để đẩy tầm quan trọng của ông Vượng lên cao. Cách làm này không thể khiến VinFast của ông Vượng thắng được Tesla, mà chỉ làm cho VinFast thêm bị coi thường, vì PR quá lố.
Không biết, trong vai trò CEO của VinFast, ông Vượng có thổi được làn gió mới gì cho VinFast hay không? Còn nếu chỉ lo xua báo chí tạo mặt nạ tại quê nhà, thì VinFast cũng chẳng làm nên trò trống gì, cũng như chẳng thể làm gì được đối thủ của mình trên đất Mỹ.
Ý Nhi – Thoibao.de
7.1.2024