Ngày 29/12/2023, sau 3 ngày xét xử, Hội đồng Xét xử của Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã công bố phán quyết đối với 7 bị cáo trong vụ test kit COVID-19 của Công ty Việt Á.
Các bị cáo: Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á – lĩnh án 25 năm tù; Trịnh Thanh Hùng – cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ – 15 năm tù; Hồ Anh Sơn – cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, thuộc Học viện Quân Y – lĩnh án 12 năm tù. Các bị cáo còn lại chịu mức án từ 6 đến 7 năm tù giam.
Theo giới quan sát, đó là những bản án nghiêm khắc hơn so với 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm cũng như phúc thẩm của vụ án “chuyến bay giải cứu”. Điều đó cho thấy, việc áp dụng luật hình đối với “toà án binh” vẫn còn nghiêm túc.
Theo kế hoạch, Tòa án thành phố Hà Nội sẽ đưa vụ án Việt Á ra xét xử vào ngày 3/1/2024. Công luận lo ngại về chủ trương “phân hóa” khi xử lý tội phạm trong đại án Việt Á của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thực chất, chủ trương này nhằm để giảm nhẹ tội cho quan chức tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể, “Cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền, thì mình “miễn xử hoặc xử nhẹ”.
Nhưng chủ trương được cho là “nhân văn” này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã bị Bộ trưởng Công an Tô Lâm triệt để lợi dụng. Tô Lâm đã “tha bổng” cho rất nhiều các quan chức tham nhũng cộm cán, liên quan đến việc tạo điều kiện chạy án trong ngành công an hiện nay.
Điều khiến công luận hết sức bức xúc, đó là trường hợp của ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã bị Bộ Công an khởi tố và khám xét nơi ở, vì nhận 200.000 USD từ Phan Quốc Việt, ngay tại phòng làm việc của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.
Vậy mà, Bộ Công an của ông Tô Lâm, lấy lý do, khi nhận tiền, Chu Ngọc Anh đã nói “tớ cảm ơn”, nên số tiền đó chỉ coi là quà biếu, chứ không phải là tiền đưa và nhận hối lộ. Do đó, ông Chu Ngọc Anh đã thoát tội nhận hối lộ, mà với số tiền hối lộ đến 5 tỷ đồng, ông có thể phải đối diện với mức án từ 20 năm đến tử hình.
Quan trọng hơn, liên quan đến số tiền hàng trăm tỷ của Công ty Việt Á dùng để hối lộ, cảm ơn, hay tặng các quan chức lãnh đạo, trong kết luận điều tra của Bộ Công an đã giảm đến gần 8 lần so với thông tin ban đầu. Điều này đã không thuyết phục được người dân.
Theo đó, đầu tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết, Việt Á kiếm lãi khoảng 4 nghìn tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ đồng để “bôi trơn.” Nhưng trong kết luận điều tra do Bộ Công an ban hành, thì số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng, và số tiền chi để đưa hối lộ chỉ là hơn 106 tỷ đồng.
Công luận cho rằng, đó là sự “đổi trắng thay đen” không thể chối cãi của Bộ Công an và Bộ trưởng Tô Lâm. Điều đó sẽ kéo theo hàng loạt vụ “giải cứu” khác – chạy án đã được hóa giải một cách hợp pháp. Vì theo nguyên tắc, số tiền càng lớn thì hình phạt càng nặng.
Quan trọng hơn, phán quyết của Hội đồng Xét xử Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội, đã giúp cho công luận thấy, có những thế lực chính trị đang tìm mọi cách đổ tội cho Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á. Việt Á phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho chính sách chống dịch Covid-19 trong hơn 2 năm, với số nạn nhân tử vong lên đến hơn 43.000 người.
Trong bài viết, “Phan Quốc Việt: phạm nhân, nạn nhân, hay công thần?”, của blogger Gió Bấc, đăng trên Đài RFA, cho biết:
“Qua phiên tòa đã làm rõ, thật sự Việt Á có làm ra Kit Test với số lượng lớn. Tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an kiểm tra hiện trường về máy móc, thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhân công và tổ chức thực nghiệm tại Phòng Sản xuất test xét nghiệm của Công ty Việt Á (tại phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương).”
“Cuộc kiểm tra có sự tham gia của luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt và đại diện Cục Khoa học hình sự Bộ Công an, chính quyền thành phố Dĩ An, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế. Kết quả thực nghiệm điều tra xác định, trong thời gian 2 giờ 5 phút, Công ty Việt Á sản xuất được 2.432 test xét nghiệm.”
Ngoài ra, blogger Gió Bấc còn cho biết thêm: “để trả lời cho câu hỏi về chất lượng kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn ra quyết định trưng cầu giám định thành phần…
Kết luận của Hội đồng Giám định tư pháp (do Bộ Y tế thành lập) cho thấy, kit test đảm bảo 4 tiêu chí: giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành.”
Người Việt Nam có câu, “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”, điều đó cũng cũng có nghĩa khẳng định, sự thật chỉ có một. Bộ trưởng Tô Lâm đừng quên rằng, Bộ Quốc phòng của Bộ trưởng Phan Văn Giang đang theo dõi Bộ Công an và Tô Lâm hết sức chặt chẽ. Đừng ỷ thế để làm càn./.
Trà My – Thoibao.de
2.1.2024