Ngày 15/12, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan, với cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB, và đưa hối lộ nhiều triệu USD. Vụ án sẽ được xét xử tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với tổng cộng 86 bị can.
Bà Đỗ Thị Nhàn – Trưởng đoàn Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước – đã nhận 5,2 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan, để chỉ đạo cho Đoàn Thanh tra bao che cho việc chiếm đoạt trên 12 tỷ USD của Ngân hàng SCB. Với vai trò thanh tra, ắt bà Nhàn biết được hành động bao che mạo hiểm như thế nào, nhưng bà vẫn nhắm mắt đưa chân.
Số tiền 5,2 triệu USD hối lộ cho một người là quá lớn, nhưng nếu so với số tiền chiếm đoạt đến 12,5 tỷ USD, thì lại là quá nhỏ. Vì sao một quan chức thanh tra cấp Trung ương phải làm liều như thế. Đồng tiền đã làm mờ mắt những con người có chức có quyền.
Để hạn chế tham nhũng, trước hết, luật pháp phải nghiêm minh. Thứ nhì, lương công chức, quan chức phải đủ sống, để họ không thiếu thốn. Thứ ba, con người phải có đạo đức để biết chùn tay, khi tiền bạc cám dỗ.
Câu hỏi đặt ra là, chính quyền Cộng sản có làm được cả 3 điều trên hay không? Và câu trả lời là, chính quyền chẳng làm được bất cứ điều gì. Vì vậy, đã làm quan trong chế độ này thì phải tham nhũng. Có cơ hội là phải ăn, thậm chí ăn thật bạo.
Về luật pháp, với việc “đốt lò” bao năm qua, liệu rằng, luật pháp dưới thời ông Trọng có nghiêm minh hay không?
Câu trả lời là không. Thực ra, hành động đốt lò này là do ông Trọng làm tuỳ ý, chứ không phải thực thi luật pháp.
Nếu thực thi luật pháp thì không thể chừa một ai, không có tiêu chuẩn kép theo kiểu, với cùng một tội, nhưng với người này thì xử nặng, còn với người khác thì lại tha. Việc dựng lên cái gọi là “tham nhũng không vụ lợi” là một cách coi thường kỷ cương phép nước, là chọn lọc người phạm tội để tha.
Về lương công chức, quan chức, thì ai cũng biết là không đủ sống. Ngay cả lương của Tổng Bí thư cũng chưa tới 1.000 USD/tháng, thì lương quan chức cấp dưới làm sao đủ sống? Cách trả lương như kiểu của chính quyền Cộng sản là đẩy quan chức phải tham nhũng để tồn tại. Dù cho thâm tâm không muốn tham nhũng, thì cũng phải tham nhũng.
Điều thứ ba, vấn đề giáo dục đạo đức. Phải nói rằng, chưa có ở đâu tham nhũng như người Cộng Sản. Từ tham quyền đến tham tiền, đều gây hậu quả rất nghiêm trọng. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam đã dựng tấm gương đạo đức lãnh tụ lên, và phát động phong trào toàn Đảng học tập và làm theo, nhưng thực chất, càng học theo thì đạo đức quan chức càng xuống cấp nghiêm trọng.
Hầu hết mọi quan chức đều rất giàu có, mặc dù lương ba cọc ba đồng. Hãy xem ông Đoàn Ngọc Hải, một cựu Phó Chủ tịch quận tại Sài Gòn, hiện đã từ quan nhưng vẫn sống như đại gia. Nay đi nước này tham gia giải marathon, mai đi nước khác du lịch. Ông đi châu Âu như đi chợ. Vậy thì, tiền ở đâu ra cho ông sống thượng lưu như thế? Bằng lương ư?
Ông Đoàn Ngọc Hải vẫn tham gia làm từ thiện, đấy là điều tốt. Tuy nhiên, việc ông từ quan sớm mà sống ung dung như đại gia, thì không ai không thấy, dù rằng ông chỉ là quan cấp quận, chưa phải là Thành ủy viên, chứ đừng nói đến cấp Ủy viên Trung ương Đảng. Còn cấp Ủy viên Bộ Chính trị thì có thể nói, tiền vào như nước lũ.
Dùng phương pháp loại suy thì có thể thấy, 100% quan chức tham nhũng. Mà trong hàng triệu quan chức lớn nhỏ chỉ móc ra vài chục quan chức, thì xem ra, tỷ lệ bị sờ gáy còn quá thấp. Có người ví von, xác suất một quan chức tham ăn bị lộ thấp như khả năng trúng số độc đắc. Vậy dại gì không tham nhũng? Bởi hàng trăm hàng ngàn quan chức đã và đang tha hồ gặm nhấm, mà có mấy ai bị sờ gáy đâu?
Với bản chất của chế độ này, thì chính thành phần quan chức, những kẻ thực thi pháp luật, lại nhận tiền để bao che cho những kẻ khác chiếm đoạt tiền của dân chúng. Ông Trọng sẽ không diệt được, bởi đó là bản chất của chế độ.
Ý Nhi – Thoibao.de