Link Video: https://youtu.be/MevKbmLa_rI
Ngày 3/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Nhật Bản tiêu huỷ hơn 5 tấn sầu riêng, ớt Việt Nam vì tồn dư hóa chất”.
Theo đó, hai lô sầu riêng, ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam bị Cơ quan Kiểm dịch Nhật Bản phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, buộc phải tiêu hủy.
RFA cho biết, truyền thông loan tin trên trong ngày 3/12, dẫn xác nhận của bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản), rằng hai lô hàng trên thuộc Công ty bà Oanh và với sự việc trên, doanh nghiệp của bà đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, phía Nhật Bản phát hiện, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu vào nước này từ ngày 5/10, với giá 132.000 đồng/kg. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone, với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.
Phía cơ quan kiểm dịch Nhật Bản cũng lấy mẫu xét nghiệm với lô hàng hơn bốn tấn ớt. Kết quả, phát hiện có hai hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép, gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.
RFA dẫn lời bà Oanh cho biết, cả hai lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy. Riêng lô sầu riêng, doanh nghiệp thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Còn với lô hàng ớt nếu không nhập khẩu bù thì khả năng cao sẽ còn bị phạt theo hợp đồng.
RFA cũng dẫn lời ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng, Nhật Bản là thị trường có tiêu chuẩn rất cao đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là trái cây. Khi đã thâm nhập được vào thị trường này thì xuất khẩu sẽ ổn định và lâu dài, nhưng các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, giá bán và sản lượng cung ứng.
RFA dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng qua, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, chiếm 7,4% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, nhiều ngành hàng đạt giá trị cao như: gỗ (1,39 tỉ USD), thủy sản (1,25 tỉ USD); cà phê (252,5 triệu USD); hạt điều (49,02 triệu USD), tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với rau quả, giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản 10 tháng đạt 150,56 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sầu riêng là trái cây hút khách ở Nhật Bản trong 2 tháng cuối năm. Các doanh nghiệp đang nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam với giá tại cảng lên tới 160.000 đồng/kg.
Trước đó, vào tháng 6/2023, RFA cho hay, “Hàn Quốc thu hồi sản phẩm ớt Việt Nam do dự lượng thuốc trừ sâu vượt chuẩn”.
Theo đó, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho truyền thông hay tin trên trong ngày 29/6, nêu rõ, lô hàng bị Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thu hồi là của Công ty Long Thành sản xuất, có mức dư lượng tricyclazone (hoạt chất trừ nấm, trừ sâu) trong các mẫu ớt đỏ khô dao động 0,02 – 0,04 mg/kg, vượt quá ngưỡng cho phép của Hàn Quốc là 0,01 mg/kg. Mức dư lượng tricyclazone này cũng tương đồng với lô ớt vừa bị Nhật Bản tiêu huỷ.
Hồi tháng 4/2023, RFA cho hay, Bộ An toàn thực phẩm Hàn Quốc còn ra thông báo ngừng bán ớt của Việt Nam, khi lô hàng nhập khẩu ớt đỏ đông lạnh, sấy khô của Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tiêu chuẩn gấp 10 lần.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam được thị trường này khá ưa chuộng.
Thu Phương
>>> PC08 thành Hồ đo nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm – phải chăng Công an TP.HCM cần giải ngân cuối năm?
>>> Thẻ Căn cước – sau nửa thế kỷ lưu lạc đã trở về tên cũ
>>> Không còn những tiếng nói trung thực, Quốc hội trở nên đìu hiu…
>>> Đến bao giờ Tổng Bí thư mới cho bắt ông trùm “Nhóm lợi ích điện lực” Trần Tuấn Anh?
Việt Nam có thể làm gì trong hồ sơ chủ quyền biển đảo?