Ngày 29/11, Công an Thủ Đức triệt phá đường dây làm hàng trăm bằng đại học, thạc sỹ, giấy phép lái xe giả.
Được biết, giá làm những tấm bằng giả này cực bèo, chỉ với 1,5 – 2,5 triệu đồng một tấm. Mới đây, ông Nguyễn Trường Hải – người từng là giảng viên, thậm chí giữ chức trưởng, phó khoa ở một số trường đại học, cao đẳng – bị phát hiện sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả.
Điều nực cười là, một người dùng bằng giả, đi dạy thời gian dài không ai phát hiện ra. Vậy thì, chương trình giảng dạy cũng là chương trình dỏm, chương trình kém chất lượng, nên ông giảng viên bằng giả mới tham gia giảng dạy được.
Cái sự nguy hiểm nhất của chính sách mà ông Nguyễn Phú Trọng đang dùng, đấy là, ông dọn rác không dọn đến nơi đến chốn. Ông quét rác rồi tấp vào một xó xỉnh nào đấy, để tạo ra bề mặt sạch sẽ một cách giả tạo. Ông nói là chống tham nhũng không có vùng cấm, nhưng cách chống tham nhũng của ông là không nhổ tận gốc, mà chỉ đánh đến một mức nào đó rồi dừng. Cái gốc vẫn còn và nó đâm chồi nảy lộc phát triển tiếp.
Những năm trước đây, vụ bán bằng của Đại học Đông Đô bị đổ bể. Tuy nhiên, chính quyền lại chỉ xử lý những người bán bằng, mà không xử lý người mua bằng. Theo tờ báo Thanh Niên, thì “mua bằng” của Đại học Đông Đô đều là những “người có uy tín”. Mà “những người có uy tín” là ai, thì ắt người dân tự hiểu, bởi những người này học hành không ra gì, nhưng nhờ được xếp vào loại “hạt giống đỏ” mà leo cao. Khi có chức thì dùng tiền tham nhũng mua bằng, để hợp thức hóa học vị của bản thân. Loại này đang được Đảng Cộng sản bao che, mà người chịu trách nhiệm cho kiểu bao che này không ai khác, chính là ông Nguyễn Phú Trọng.
Hiện nay, Trung ương Đảng có khoảng 200 người, trong Quốc hội gần 500 người. Hầu hết các uỷ viên Trung ương Đảng là đại biểu Quốc hội, còn những đại biểu ngoài Trung ương Đảng, thì cũng là quan chức cấp đầu tỉnh. Trong đó, cấp tỉnh ủy viên hay thành uỷ viên rất nhiều. Hầu hết các vị này đều có bằng tiến sỹ, thạc sỹ. Nhưng thử hỏi, mấy người trong số đó là có trình độ thật?
Cứ mỗi kỳ họp Quốc hội, thì y rằng, quan chức thi nhau diễn hài. Họ nói linh tinh làm tốn thời gian và tiền bạc của dân. Họ họp mỗi ngày tốn hàng tỷ đồng, nhưng chất lượng của những ý kiến thì vô cùng thấp. Từ đó, phần nào người dân cũng ước lượng được chất lượng của thành phần quan lại trong chế độ này, mặc dù là rất nhiều người trong số họ có bằng cấp rất cao, nào là tiến sĩ, nào là thạc sĩ. Thậm chí, có những “giáo sư” nhưng lại không có một ngày nào tham gia giảng dạy.
Ở chế độ này, không ít quan chức dùng bằng giả. Nếu không dùng bằng giả thì cũng là bằng thật học giả. Nói chung, dù là loại nào thì cũng chẳng có kiến thức thật sự. Chính vì kiến thức rỗng tuếch, nên mới đưa ra những phát ngôn ngờ nghệch, khiến người dân phải lắc đầu ngao ngán.
Các quan chức này có bằng giả, có trình độ giả, có đạo đức giả, tuy nhiên, lòng tham của họ là thật. Kẻ nhìn ngắn thì lùa hốt tiền bạc một cách lộ liễu, kẻ có quyền lực cao hơn thì lại lùa tiền bằng chính sách. Còn kẻ quỷ quyệt nhất là kẻ tỏ ra không tham tiền, không can thiệp vào các chính sách để làm tiền, kẻ đó chỉ tham quyền lực, thâu tóm quyền lực về tay mình, từ đó, điều khiển những kẻ ở cấp thấp hơn.
Lòng tham của kẻ tham quyền, kết hợp với tính toán thâm sâu, thì nghiễm nhiên thành người trong sạch, được tung hô là “sĩ phu Bắc Hà”. Hàng loạt những kẻ tham nhũng bị ông trừng trị, nhưng người cả tin đâu biết, ông trị là trị cho phe ông, chứ đâu trị để dân yên?
Thử hỏi, từ ngày ông thẳng tay diệt trừ quan tham, thì dân được gì? Đất nước này có hết bọn quan tham không? Hay là lại xuất hiện tầng lớp quan tham thâm hiểm và tinh vi hơn, vì bọn họ biết học hỏi ở ông?
Ý Nhi – Thoibao.de