Vụ án Vạn Thịnh Phát đang được báo chí thổi bùng lên, đây là dấu hiệu sắp xét xử. Bởi hệ thống tòa án Việt Nam là thứ tòa án công cụ, nên trước khi đưa ra xét xử một vụ án chấn động, thì báo chí phải đi trước dọn đường. Đặc biệt là với những quyết định sai quy trình tố tụng, hoặc hành động bao che cho ai đó, thì phải nhờ báo chí đồng loạt hô lên.
Với 800 tờ báo trong tay và không cho phép bất kỳ tờ báo độc lập nào tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam, thì Đảng Cộng sản dễ dàng định hướng dư luận theo ý của Đảng.
Một vụ đại án như vụ Vạn Thịnh Phát thì sẽ dính đến nhiều nhân vật là quan chức. Tuy nhiên, mục đích của ông Tổng Bí thư lâu nay không phải là ai có tội cũng đánh, mà ông chọn người để đánh. Ông chỉ đánh phe nào mà ông cho là cần phải đánh. Vì thế mới có chuyện, ông Tổng chỉ đạo báo chí loại tên 7 thanh tra viên nhận tiền từ SCB, ra khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi từ nhiều tháng trước, chính ông Tổng đã để cho ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Minh Trí nói về cái gọi là “tham nhũng nhưng không vụ lợi”.
Được biết, tháng 8/2017, Đoàn Thanh tra liên ngành được thành lập, với 18 thành viên, gồm 9 người thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, 2 người thuộc Kiểm toán Nhà nước, 4 người thuộc Thanh tra Chính phủ, 3 người thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Đoàn này có nhiệm vụ thanh tra hoạt động của Ngân hàng SCB.
Kết quả điều tra xác định, cả 18 thành viên Đoàn Thanh tra này đều nhận tiền từ SCB. Trong đó, người nhận nhiều nhất là Trưởng đoàn Đỗ Thị Nhàn (Vụ trưởng Vụ I, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng), với 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỷ đồng. Dù vậy, chỉ có bà Nhàn bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”, 10 người bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, 7 người còn lại được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Bảy thành viên Đoàn Thanh tra nhận tiền từ SCB nhưng được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, gồm 3 người thuộc Kiểm toán Nhà nước, 3 người thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, và 1 người thuộc Thanh tra Chính phủ. Đây rõ ràng là sự chỉ đạo “chọn người mà xử”, và tất nhiên, phía Tô Lâm tìm mọi lý do có thể để bao biện cho hành động này.
Tiêu chuẩn kép chính là hình thức xử lý người này nhưng không xử lý người kia, mặc dù cùng phạm một tội giống nhau, có cùng hành vi tương tự nhau. Như việc bắt người mẫu Ngọc Trinh, nhưng lại không bắt hai diễn viên xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, có cùng những hành động nguy hiểm khi biểu diễn trên xe mô tô đang chạy trên đường. Tiêu chuẩn kép chính là một dạng khác của quy tắc “áp dụng luật cho tất cả, trừ tao”. Chính ông Trọng vẽ ra luật giới hạn tuổi, nhưng rồi cũng chính ông vẽ ra luật loại trừ, bằng suất đặc biệt. Và điều đáng nói là quy tắc độc hại này đang lan truyền trong Đảng.
Hiện nay, quy tắc này được áp dụng cho trường hợp Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB. Trong Đoàn này, cần phải chọn ra người để trị.
Đây là tiền đề để cho chính quyền Cộng sản xử lý những trường hợp về sau, trong những trường hợp cần chọn người để xử. Một khi quy tắc này được áp dụng càng rộng rãi, thì xã hội Việt Nam càng ngày càng loạn. Tuy nhiên, người dân vẫn bất lực, không thể làm gì được.
Ông Tổng Bí thư đang để lại thành tích chống tham nhũng rất ấn tượng. Những thành tích này đủ để thuyết phục nhiều người rằng, ông Tổng là người tốt. Và đây chính là bức màn che mắt người dân, để họ không thể nhìn thấy được cái di sản nguy hiểm mà ông Tổng để lại, đó là “xử lý thẳng tay trừ phe ta”.
Chế độ này vốn là bất công, nhưng nay lại phổ biến thêm cách hành xử theo tiêu chuẩn kép, thì bất công càng ngất trời.
Ý Nhi – Thoibao.de