Vụ án Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan: Trùm cuối là ai?

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập từ năm 1992. Giới quan sát nhận xét, một mình bà Trương Mỹ Lan không thể làm mưa làm gió, để gây thiệt hại lớn chưa từng thấy. Mà phải có sự bao che, tiếp tay của quan chức lớn, thậm chí là rất lớn, trong bộ máy Đảng và chính quyền ở Việt Nam.

Theo kết luận điều tra của C03 Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan đã lợi dụng danh nghĩa là cổ đông chính của Ngân hàng SBC, và bằng các thủ đoạn gian dối, bà Lan cùng đồng bọn đã rút ruột hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, và gây thiệt hại tới 64 ngàn tỉ đồng. Đó là số tiền do Ngân hàng SCB huy động từ người dân và các doanh nghiệp khắp cả nước.

Trong các vụ đại án tham nhũng ở Việt Nam gần đây, mạng xã hội đã sử dụng một thuật ngữ là “trùm cuối”, để chỉ những kẻ cầm đầu, có vai trò chính trong việc biển thủ tài sản nhà nước, cũng như chiếm đoạt của dân.

Song, việc xác định “trùm cuối” của các đại án vừa qua, danh tính của trùm cuối chỉ là… tin đồn.

Câu hỏi “trùm cuối là ai?” trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, cũng được dư luận hết sức quan tâm. Cách đây hơn 10 năm, đã có những đồn đoán cho rằng, ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, chính là kẻ trực tiếp chống lưng và hậu thuẫn cho bà Lan.

Tới mức, dư luận nghi vấn, chủ sở hữu thực sự của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan hay ông Lê Thanh Hải? Vì nhiều chứng cứ cho thấy, mối quan hệ “chủ và khách” giữa ông Hải và ba Lan lẫn lộn lung tung, không biết đâu mà lần.

Theo Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố 03 tội danh: Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Đưa hối lộ; và Tham ô tài sản. Trước đó, cuối năm 2022, bà Trương Mỹ Lan đã bị truy tố tội danh “Lừa đảo” trong việc phát hành trái phiếu.

Cho đến nay, một trong những lãnh đạo cao nhất bị truy tố và bắt giam, là bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước. Bà Nhàn bị truy tố với tội danh “Nhận hối lộ”, lên tới 5,2 triệu USD từ Ngân hàng SCB, để bỏ qua những sai phạm của Ngân hàng này.

Điều đó cho thấy, Cơ quan phòng chống tham nhũng và tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nỗ lực “giữ lấy bình”, quyết không để lộ hay truy tố những con chuột cống cỡ bự. Đó là những kẻ mà ai cũng biết là ai.

 

Giới quan sát khẳng định, nếu không có cán bộ ở cấp cao chống lưng, thì đố mà Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan dám làm bậy. Nhất là trong hệ thống kiểm soát chặt chẽ của nhà nước Việt Nam hiện nay, thậm chí một con kiến cựa quậy người ta cũng thấy rõ.

Trong khi đó, mấy chục năm qua, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan có nhiều hoạt động làm ăn lớn ở Sài Gòn, với những hành động “tự tung tự tác”, tung hoành ngang dọc như chốn không người, thì sao giới lãnh đạo lại không thấy?

Cách đây hơn 10 năm, trước pháp đình, bị án Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải, đã khai ra mối quan hệ của bà Trương Mỹ Lan với Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Qua đó cho thấy, bà Trương Mỹ Lan có mối quan hệ khủng khiếp đến cỡ nào.

Nhưng! vấn đề là, lời khai chấn động đó, liên quan đến các quan chức cấp cao, lập tức chìm xuồng, không ai dám nhắc tới chứ đừng mong cơ quan có trách nhiệm sẽ điều tra làm rõ.

Công luận đặt câu hỏi, bao nhiêu năm nay, ai cũng biết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan có những sai phạm lớn như thế, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của nhiều quan chức cấp rất cao. Vì sao, phải đến cuối năm 2022 mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bà Trương Mỹ Lan Lan?

Phải chăng, chỉ tới khi, quá trình rút ruột Ngân hàng SCB của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan đã mất kiểm soát, khối ung nhọt đã đến lúc “bục vỡ”, không thể cứu nổi, thì bà Lan mới bị bắt để điều tra.

Một cựu lãnh đạo cấp Cục ở Hà Nội cho thoibao.de biết, với điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, cho rằng, những người như bà Trương Mỹ Lan có thể ăn cướp trắng trợn tiền bạc của nhà nước, của dân, với số tiền lớn khủng khiếp như vậy, chắc chắn phải có thế lực cực mạnh chống lưng cho họ.

Người này cho biết, “Bây giờ cứ “trăm dâu đổ đầu tằm”, đổ hết cho thanh tra, không ai người ta tin. Vì thanh tra không thể nào qua mặt được lãnh đạo của họ.”

Theo giới thạo tin, việc điều tra tìm ra “trùm cuối” – kẻ đứng trên cao nhất, tổng chỉ huy, trong việc giúp sức cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, không khó. Vấn đề là có chịu làm hay không? Cứ gõ đầu các cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ, từ 1992 cho đến nay, đó là Nguyễn Văn Bình, Lê Minh Hưng và Nguyễn Thị Hồng, là… ra tất tần tật./.

Trà My – Thoibao.de