Ngày 20/3, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao – đã đưa ra một khái niệm quái đản, đấy là “cán bộ tham ô không vụ lợi”. Và ông này đề nghị giảm phạt tù, tăng phạt tiền đối với người đứng đầu có sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi.
Đã tham ô mà còn “không vụ lợi”, một khái niệm mâu thuẫn như vậy mà ông này cũng nghĩ ra được. Nhiều người bật cười vì khái niệm này, tưởng rằng, ông này làm trò hề trước Quốc hội, vì không thể nghĩ ra điều gì có giá trị thực tiễn, nên nói nhăng nói cuội.
Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó mới thấy, phát biểu của ông Lê Minh Trí là có dụng ý, chứ không phải ông nghĩ bậy và nói xàm như nhiều người tưởng.
Đầu tiên là vụ Việt Á.
Ngày 17/8 vừa qua, tại một cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Yên – Phó ban Nội chính Trung ương – cho biết, “chùm vụ án” Việt Á xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, vì vậy Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, có chủ trương phân loại để xử lý người vi phạm. Theo đó, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định, nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và Công ty Việt Á; người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi… “sẽ bị nghiêm trị”, còn người không vụ lợi thì được miễn trách nhiệm hình sự.
Ban Tuyên giáo Trung ương là nơi duyệt những nội dung công bố với truyền thông, theo quyết định của Trung ương Đảng. Nếu ông Yên đã nói như thế, thì xem như, đó là quyết định của Bộ Chính Trị. Vì thế, phát ngôn của ông Lê Minh Trí tại Quốc hội vào ngày 20/3 được xem là lời phát biểu theo chỉ đạo, chứ không phải là lời nói bừa. Bởi một lời nói bừa rất vô lý như thế không thể khiến cho Bộ Chính trị nghe theo, và chỉ đạo Ban Tuyên giáo phổ biến.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng hô hào rằng, “Chống tham nhũng không có vùng cấm”. Tuy nhiên, việc “giật dây” cho ông Lê Minh Trí trình bày ý “tham ô không vụ lợi”, được xem như đã xác định một vùng cấm. Ai được liệt vào dạng “tham ô không vụ lợi” thì được an toàn.
Hiện nay, khi vụ án Vạn Thịnh Phát đang nóng, thì Ban Tuyên giáo Trung ương lại cho ông Nguyễn Văn Yên – Phó ban Nội chính Trung ương – lên báo nói rằng, số tiền nhận hối lộ trong vụ án Vạn Thịnh Phát là “lớn nhất từ trước tới nay”. Người nhận tiền trong vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, nhưng không có thỏa thuận hoặc không đòi hỏi, sẽ không bị xử lý hình sự, mà chỉ kỷ luật Đảng, xử lý hành chính.
Đừng nghe những gì Tổng Trọng nói mà hãy nhìn những gì ông ta làm, thì mới hiểu hết được con người của ông ta. Ở cao tầng chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng tham nhũng quyền lực. Ông lạm quyền để đặc cách cho mình 2 lần hưởng suất đặc biệt, để ngồi lại ghế Tổng Bí thư dù quá tuổi; đồng thời, phá bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ để tự trao mình nhiệm kỳ thứ 3, và rất có thể sẽ là cả nhiệm kỳ thứ tư.
Ngồi trên đỉnh cao, ông Nguyễn Phú Trọng dùng quyền lực mà ông có được từ “tham nhũng quyền lực”, để tạo ra một thứ chính sách. Chính sách ấy tạo ra vùng cấm, hay đúng hơn là tạo ra vùng ẩn nấp, cho những kẻ đã nhúng chàm mà ông không muốn trừng trị. Cho nên, tham nhũng quyền lực là nguy hiểm nhất trong các loại tham nhũng. Từ tham nhũng quyền lực, ông ngang nhiên tham nhũng chính sách, mà vẫn rất an toàn.
Đây là một tiền lệ xấu, nếu cán bộ được liệt vào dạng “tham ô không vụ lợi”, được ông Trọng bỏ ra khỏi diện trừng phạt trong vụ Vạn Thịnh Phát, thì nhiều vụ án sau này cũng sẽ xảy ra tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ dùng “vùng cấm” này để bao che cho những người mà ông muốn tha.
Cái tinh vi của ông Trọng là, ông là người tham nhũng nguy hiểm nhất trong Đảng Cộng sản, nhưng không ít người dân tin rằng, ông là “Tổng Bí thư” anh minh nhất của Đảng.
Ý Nhi – Thoibao.de