Trong thời gian gần đây, dư luận xã hội thấy rằng, nhóm lợi ích của Bộ Công an đã ráo riết tìm kiếm các nguồn thu thêm cho ngành này, với những ý đồ mờ ám.
Mới nhất, ngày 10/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bố ngân sách Trung ương 2024. Trong đó, Bộ Công an được hưởng tới 85% số thu từ xử phạt vi phạm hành chính, trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Lập tức, hàng loạt các động thái tiếp theo của Bộ Công an ra đời, như: Xử phạt nồng độ cồn trên mức 0%; và mới nhất là đề nghị “Bắt buộc lắp camera hành trình cho xe máy”.
Dư luận xã hội cho rằng, đề xuất này của Bộ Công an gây khó cho người dân, và báo chí nhà nước có đánh giá chung cho rằng: “Theo ghi nhận, đa số đại biểu Quốc hội, chuyên gia, người dân không tán thành việc gắn camera hành trình cho xe máy.”
Báo Tuổi Trẻ ngày 26/11 đưa tin với tiêu đề, “Xe máy phải lắp camera hành trình: Không khả thi, rất tốn kém”.
Bản tin cho biết, Dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 33 “quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông, phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe theo quy định.”
Theo báo Tuổi Trẻ, ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân đều không tán thành việc gắn camera hành trình cho xe máy. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội còn đề nghị xem xét lại đề xuất này trong Dự luật.
Theo giới quan sát, chưa có một dự luật nào như dự luật “Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ”, bị dư luận phản ứng dữ dội đến như vậy. Người dân cho rằng, đề xuất bắt buộc lắp camera hành trình cho xe máy, là đề xuất gây khó khăn cho người dân, và có dấu hiệu của lợi ích nhóm.
Trong lúc kinh tế đang rất khó khăn, thu nhập của số đông dân chúng không đủ ăn, không đủ cho những chi tiêu cơ bản, vậy lấy tiền đâu để mà lắp?
Được biết, hiện nay, ở Việt Nam có khoảng trên 6 triệu ô tô; 73 triệu mô tô, xe gắn máy, đang lưu hành. Theo các đại biểu Quốc hội, gắn camera hành trình bắt buộc với xe máy là chưa từng có tiền lệ trên thế giới, là điều không khả thi, không thuyết phục.
Còn giới kỹ thuật đưa ra ý kiến cho rằng, đây là một đề xuất quá tào lao và bất hợp lý. Đồng thời cảnh báo, lắp camera hành trình cho xe máy sẽ gây ra nguy cơ cháy nổ cao, khó có thể đảm bảo về mặt kỹ thuật, nhất là với số lượng xe máy cũ hiện đang lưu hành là rất lớn.
Đó là chưa kể tới số lượng vài chục triệu camera hành trình, chắc chắn là sản phẩm của Trung Quốc sản xuất. Với mỗi xe máy phải gắn 1 camera hành trình, thì nước lạ sẽ bán được cho thị trường Việt Nam hàng chục triệu sản phẩm?
Vậy, chủ trương của Bộ Công an có liên quan gì đến việc giúp cho cho nền kinh tế Trung Quốc vượt qua tình trạng trì trệ như hiện nay hay không?
Công luận thấy rằng, chưa có nhiệm kì Bộ trưởng Công an nào như thời Bộ trưởng Tô Lâm. Tô Lâm đã liên tục đưa ra các đề xuất, cũng như yêu cầu, mang tính trục lợi cho lợi ích nhóm, cho cá nhân Bộ trưởng, cũng như cho Bộ Công an.
Từ cái thẻ căn cước công dân các loại, bằng lái xe… đổi đi, đổi lại đủ thứ, vẫn còn chưa đủ, nay lại nghĩ ra nhiều thông tư để bổ sung. Nhất là những vấn đề liên quan đến giao thông, như nồng độ cồn, nay lại bắt lắp camera hành trình cho xe máy.
Toàn là những đề nghị, đề xuất có hại cho dân, ngược lại có lợi cho công an trong việc hưởng 85% tiền phạt.
Những chỉ thị, đề xuất của Bộ Công an đã cho thấy, phải chăng ông Tô Lâm đang bằng mọi cách để hạ uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, để góp phần đẩy chế độ Cộng sản mau xuống vực?
Hơn thế nữa, nếu quy định “bắt buộc xe máy cá nhân phải gắn thiết bị giám sát hành trình” này được Quốc hội thông qua, thì các đầu mối nhập khẩu thiết bị này sẽ kiếm được những khoản lãi không nhỏ.
Trong lúc, Bộ trưởng Tô Lâm và lãnh đạo Bộ Công an đang ráo riết chuẩn bị chiến phí cho cuộc chiến hậu Nguyễn Phú Trọng. Thì thử làm một phép toán nhỏ, lấy mấy chục triệu thiết bị camera giám sát này, nhân với số tiền lời mỗi thiết bị một vài chục nghìn đồng, sẽ ra một con số không thể tưởng tượng nổi.
Kiếm được nhiều và dễ thế, đủ tiền cho việc đấu đá giành ghế, thì dại gì Tô Lâm và Bộ Công an không kiếm?./.
Trà My – Thoibao.de