Link Video: https://youtu.be/Vk6UZcWQez0
Ngày 3/11, trang Facebook cá nhân Khanh Nguyen của nhạc sĩ Tuấn Khanh có bài bình luận “Tiếng bấc tiếng chì”.
Theo tác giả, câu chuyện Thành Bưởi, từ lúc có những tin tức “tố cáo” của báo chí, cho đến lúc phải ngừng hoạt động, phải nói là như một vụ đánh thần tốc. Mọi diễn biến tựa như được tính toán để “chung sức“, cùng đưa lên trên mặt trận truyền thông, khiến bộ mặt của một hãng xe trở nên đen đúa dần, tệ hại dần, và cuối cùng, bị gọi tên như tội phạm, cùng tiếng bấc tiếng chì, dù chưa có phiên toà nào kết luận.
Tác giả nhận xét, hoạt động truyền thông của Việt Nam, từ vụ Ngọc Trinh qua đến Thành Bưởi, có thể nói, đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu ngày báo chí Việt Nam đã bước vào giai đoạn các nơi phối hợp nghiêm, “đánh đẹp” trong sự nhất quán quan điểm, tuần tự và trật tự trên không gian mạng. Gần như không tìm thấy bất cứ một góc nhìn cân đo nào khác, đối với “người có tội” theo chủ trương.
Theo tác giả, sự kiện hàng đầu của hãng xe Thành Bưởi, được Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, là vụ nhà xe này gây tai nạn khiến 5 người chết và nhiều người bị thương ở Đồng Nai, vào ngày 30/9. Rồi sau đó, đẩy dần lên là chuyện trốn thuế, tài xế chạy nhanh nhiều lần bị phạt, giao xe cho tài xế có sai phạm về hợp đồng, và giấy phép, dần đẩy đến cách mô tả là coi thường pháp luật, không coi ai ra gì…
Tác giả nêu quan điểm, theo đó, gây tai nạn là chuyện phải làm nghiêm. Trốn thuế phải phạt, sai phạm về người và giấy phép lái xe phải bị xử lý. Nhưng theo mô tả của nhiều tờ báo, truyền hình, trong cơn say tố cáo, có những điều mà người ta tưởng chừng như, cả nước đang vào cuộc lật mặt một tổ chức xã hội đen rất ghê rợn, đang lũng đoạn đất nước.
Gây tai nạn trong công việc vận tải, thiết nghĩ, không chỉ có Thành Bưởi. Ví dụ như hãng xe Phương Trang cũng nhiều lần lật xe, làm bị thương nhiều hành khách, kể cả chết người cũng có. Chuyện mới nhất còn gần hơn cả Thành Bưởi, xảy ra vào đầu tháng 10 này.
Tác giả cho hay, để nhấn mạnh vào tính “xã hội đen” của hãng xe Thành Bưởi, các tờ báo thay phiên nhau đặt những tựa rất kêu như “sự lộng hành của Thành Bưởi”, “Nhà xe công khai thách thức pháp luật”, thậm chí có báo còn đặt câu hỏi đầy trong sáng và đạo đức “Ai chống lưng cho Thành Bưởi?”.
Tác giả dẫn quan điểm của nhà báo Huy Đức, viết trên trang Facebook của mình rằng: “Nên cá thể hóa các sai phạm [của các cá nhân trong Thành Bưởi] để xử lý theo đúng pháp luật, thay vì nhắm vào doanh nghiệp”.
Quả vậy, tác giả bình luận, trong sự phát triển của Việt Nam, đời sống kinh tế có muôn điều cần giải quyết. May thay, Việt Nam là một quốc gia có công bố luật pháp của mình. Ai làm nấy chịu, và cần thì phạt nặng. Trịnh Văn Quyết đang ngồi chờ ra tòa, bị truy tố, nhưng hãng hàng không Bamboo vẫn hoạt động, không thể đóng cửa vì lỡ gắn với tên ông ta. Ông Trần Bắc Hà bị tuyên án, nhưng không có nghĩa hệ thống Ngân hàng BIDV bị giải thể, vì ông ta là người đứng đầu.
Tương tự, tác giả cho rằng, việc xử lý vi phạm của công ty Thành Bưởi là chuyện phải làm, theo luật pháp Việt Nam. Nhưng những “trận đánh đẹp” của báo chí Việt Nam lúc này, là một ví dụ buồn chán về sự ăn theo thông tin, hừng hực tố giác trong khung được cho phép, thậm chí làm hỗn loạn cả các tin tức và thái độ của người dân.
Tác giả kết luận, những trận đánh đẹp rồi có thể được in thành sách, một ngày nào đó, trong cơn hăng say tuyên vận. Nhưng nhiều năm nữa, khi đọc lại, có thể là điều vô cùng bẽ bàng về sự thô lậu của nghề làm báo. Thậm chí, có thể là nỗi nhục âm thầm của những người làm báo chân chính, vì không đủ sức để cưỡng lại được dòng chảy một chiều ghê sợ lúc này.
Thu Phương
>>> Thế nào là chống tham nhũng “không đúng cách”?
>>> Chủ nghĩa Mác – Lê là nguyên nhân chính của sự suy thoái giáo dục
>>> Giáo dục: Người bán bị lên án, kẻ mua lại vô can
>>> Công an phạm tội ngày càng nhiều
Liệu Việt Nam có thả Phạm Đoan Trang theo yêu cầu của Mỹ?