Link Video: https://youtu.be/4EsPhXUNL6E
VOA Tiếng Việt ngày 27/10 có bài bình luận “Thị trường bất động sản chới với, liệu Việt Nam có thành Trung Quốc thứ hai?”
Theo đó, bất động sản Việt Nam đã trải qua một năm lao đao, khi chứng kiến các công ty xây dựng trễ hạn trả tiền lời ngân hàng, trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, do các biện pháp không đúng lúc của Chính phủ, mặc dù rủi ro tác động dây chuyền đã được hạn chế.
VOA dẫn Dragon Capital, Công ty quản lý quỹ hàng đầu ở Việt Nam, cho biết, cổ phiếu bất động sản là nhóm có thành tích tệ nhất trong tháng trước trên thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, với mức giảm gần 16%.
Sự sụt giảm này là diễn biến mới nhất, sau hai năm cổ phiếu của các tập đoàn xây dựng gặp hỗn loạn, và đến năm ngoái thì lan sang trái phiếu doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc thực hiện các dự án và để lại những tòa nhà ma vốn là khu căn hộ cao cấp.
VOA nêu một số công ty bất động sản lớn đang gặp khó khăn. Trong đó, cổ phiếu của NoVaLand đã giảm hơn 80% trong một năm, sau khi họ không thể trả lãi trái phiếu trong và ngoài nước khi đáo hạn, khiến họ gặp bế tắc với một số chủ nợ quốc tế.
Cổ phiếu của Vinhomes, Công ty con của Tập đoàn VinGroup, hôm 27/10 đã giảm 6,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3, sau khi họ phát hành trái phiếu chuyển đổi mới để tìm nguồn tiền trang trải các nghĩa vụ.
Bên cạnh đó, VOA cho hay, các công ty chưa niêm yết vỡ nợ gần đây, có Tập đoàn Hưng Thịnh và Vạn Thịnh Phát. Các tòa nhà trống trơn với nội thất dang dở ở “khu phố Địa Trung Hải” của chủ đầu tư Sun Group trên đảo Phú Quốc, trong khi khung sườn của những tòa nhà cao tầng chưa hoàn thiện nằm bên cạnh những tòa tháp bóng loáng ở Hà Nội do một Tập đoàn khác là Sunshine đang xây dựng.
VOA cho biết, áp lực đang gia tăng, khi mà lượng trái phiếu bất động sản trị giá khoảng 6 tỷ đô la Mỹ, sẽ đáo hạn trong năm nay và năm tới, gần gấp ba lần so với năm 2022.
Theo VOA, hồi tháng 9, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã cảnh báo về rủi ro khủng hoảng bất động sản lan sang khu vực ngân hàng, từ những bất thường trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
VOA dẫn S&P Global cho biết, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 3% tổng tín dụng của các ngân hàng, ước tính, từ 1/3 đến một nửa trong số trái phiếu này có liên quan đến bất động sản.
Các ngân hàng dính nhiều nhất vào bất động sản là Southeast Asia Bank, Maritime Bank, Asia Commercial Bank, Vietnam Prosperity Bank và Sacombank, theo dữ liệu năm 2022.
VOA dẫn quan điểm của các nhà phân tích cho rằng, những khó khăn lớn nhất có nguyên do chiến dịch chống tham nhũng kéo dài mà Đảng Cộng sản, đã đẩy mạnh vào cuối năm ngoái.
Vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hồi tháng 10 năm ngoái, về tội gian dối phát hành trái phiếu, là bước ngoặt dẫn đến niềm tin vào thị trường giảm sút.
Vụ bắt giữ diễn ra sau khi chính quyền ban hành các quy tắc khắt khe hơn, về tính minh bạch và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vào hồi tháng 9 năm ngoái, vốn xảy ra vào lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại. Phát hành trái phiếu đã đình trệ và các khoản vay ngân hàng giảm, khiến Chính phủ liên tục thúc giục các nhà băng tăng cường cho vay.
VOA bình luận, mặc dù các biện pháp không đúng lúc của Chính phủ, gánh nợ cao của các tập đoàn và cung vượt cầu, là nguyên nhân gây ra những khó khăn của lĩnh vực bất động sản, ở cả Việt Nam và Trung Quốc, nhưng điều kiện ở Việt Nam có phần khác.
Triển vọng dài hạn ở Việt Nam là tích cực hơn, khi dân số trẻ hơn và tầng lớp trung lưu tăng trưởng, giữ cho nhu cầu bất động sản ở mức cao.
Việt Nam có tình trạng dư thừa nguồn cung bất động sản và đầu cơ ít nghiêm trọng hơn Trung Quốc, trong khi đóng góp của bất động sản vào quy mô GDP cũng ít hơn Trung Quốc.
Ý Nhi
>>> Chánh án Tòa tối cao cấm dân nghi ngờ thẩm phán
>>> Luật sư Võ An Đôn và gia đình đã đến Mỹ sau một năm bị cấm xuất cảnh
>>> Tác dụng của những lá phiếu tín nhiệm
>>> Nhiều bệnh nhân tuyệt vọng vì ngành y thiếu thuốc và vật tư y tế
Vì sao chính quyền không phát tiền cứu trợ cho nạn nhân cháy chung cư?