Link Video: https://youtu.be/Ieb0OUHyYuc
Ngày 21/10, blog Lê Quốc Quân trên VOA có bài bình luận “Ông Võ Văn Thưởng có bị kẹt ở “Vành đai và Con đường”?”
Tác giả cho biết, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vừa tham dự Diễn đàn cao cấp “Vành đai và Con đường” lần thứ 3, tổ chức tại Bắc Kinh. Diễn đàn lần này quy tụ lãnh đạo và đại diện của 130 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có cả Tổng thống Nga, người đang bị Toà án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh.
Tác giả dẫn tạp chí Nghiên cứu Chiến lược, lấy số liệu từ trang thông tin chính thức của sáng kiến Vành đai Con đường, tính tới tháng 6/2023, đã có đến 152 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, ký kết hơn 200 văn kiện hợp tác. Nói cách khác, sáng kiến này có tầm ảnh hưởng tới 2/3 dân số thế giới và chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.
Tác giả nhận xét, Vành đai Con đường là một biểu hiện về sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc.
Lúc đầu sáng kiến này chỉ là “1 vành đai và 1 con đường”, nhưng giờ đây, nó được phát triển thành cả “trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian số”.
Những nghi ngại về lòng tin làm cho Việt Nam chưa tích cực tham gia vào sáng kiến, này nhưng không thể trì hoãn lâu được nữa, vì Trung Quốc có thể bỏ qua Việt Nam, bằng cách kết nối chuỗi hạ tầng trên bộ, kéo dài từ Côn Minh, qua Lào, Thái Lan, Malaysia rồi đến Singapore trên đất liền, song song với một “Con đường tơ lụa trên biển” cắt ngang qua Biển Đông.
Theo tác giả, Việt Nam rất có thể sẽ bị kẹt giữa 2 “gọng kìm”, là đường trên bộ ở phía Tây và vành đai dưới Biển ở phía Đông.
Nhưng nghiêm trọng hơn là trên không gian số. Hiện nay Việt Nam đang tích cực số hoá toàn bộ dữ liệu để xây dựng “doanh nghiệp số”, “công dân số” và hướng đến “xã hội số.” Thế nhưng hầu hết các camera giám sát an ninh, những thiết bị đầu cuối máy tính và máy móc thiết bị của ngành viễn thông ở Việt Nam hầu hết là do Trung Quốc sản xuất.
Đây chính là cửa ngõ để Trung Quốc đổ bộ bằng “con đường số”, hòng xâm chiếm và kiểm soát dữ liệu doanh nghiệp, công dân và chính phủ Việt Nam.
Mặt khác, tác giả nhận định, Vành đai Con đường tiềm ẩn nhiều rủi ro và đang gây nghi ngờ trên diện rộng. Nhiều quốc gia cho rằng, Trung Quốc thực sự muốn thông qua khuôn khổ hợp tác để đặt ra “bẫy nợ”, và lôi kéo ngày càng nhiều nước vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình.
Nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam là nếu như con đường tơ lụa trên biển được xác lập và thực hiện, Trung Quốc sẽ có căn cứ để nói rằng, họ đã sở hữu con đường đó từ đầu thế kỷ thứ 15, khi Đô đốc Trịnh Hoà dẫn 7 đoàn thám hiểm và “đặt chân” lên những vùng biển đảo hiện đang tranh chấp.
Tác giả đề cập đến chuyến đi Bắc Kinh lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Tại đó, ông Thưởng đã gặp Tổng thống Nga; hội kiến với “đồng chí” Triệu Lạc Tế, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên trưởng Nhân đại Trung Quốc; gặp Tổng thống Uzbekistan; Tổng thống Sri lanka; Tổng Thư ký của Liên Hiệp Quốc; hội kiến ông Thái Kỳ, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; gặp Thủ tướng Hun Manet của Campuchia… trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tác giả nhắc đến việc Trung Quốc và Campuchia đã cùng “chung vận mệnh”, đang xây dựng cảng quân sự và chuẩn bị hỗ trợ đào kênh Phù Nam Techo lên đến 1,7 tỷ đô la. Điều này chắc chắn sẽ đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức trong tương lai, nếu các bên “cơm không lành, canh không ngọt”.
Tác giả cho hay, ông Tập đã nhắc ông Thưởng rằng, hai bên không được quên “nguồn gốc tình hữu nghị truyền thống của mình”, tuy nhiên, ông Tập không đề cập đến “Cộng đồng vận mệnh chung”.
Tác giả bình luận, có vẻ ông Thưởng đã ghi điểm bằng một loạt gặp gỡ quan trọng, và những người quan tâm đến tương lai đất nước có thể thở phào khi xem xét các thông tin báo chí chính thống của hai nước. Nhưng liệu Việt Nam có thể tránh được mưu đồ về một “Cộng đồng chung vận mệnh”, trong chuyến đi của Tập Cận Bình dự kiến đến Hà Nội vào tháng 12 hay không?
Chúng ta hãy cùng chờ đợi và hy vọng.
Minh Vũ
>>> Quy trình nhân sự của Đảng
>>> Vì sao công an bị dân ghét?
>>> Một quỹ đầu tư của Mỹ cam kết mua 1 tỷ cổ phiếu của VinFast
Lối kinh doanh vô đạo đức của VinFast