Link Video: https://youtu.be/nwuQEHFamow
Ngày 16/10, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Gian với Đảng, láo với dân” của tác giả Đàm Văn Loan.
Tác giả kể lại câu chuyện của bản thân, khi làm việc với công an khu vực về giấy tờ hành chính, và thái độ xấc láo, khó chịu của viên công an này, vì tác giả chưa làm thẻ căn cước gắn chip.
Tuy theo luật, tác giả vẫn được quyền sử dụng chứng minh nhân dân, nhưng vì e ngại gia đình sẽ bị làm khó, nên tác giả nhịn. Và ông cảm thán: “Một sự nhịn, chín sự hèn”.
Tác giả dẫn một câu ngạn ngữ Trung Quốc, áp dụng thật chính xác trong trường hợp này: “Đứng dưới mái hiên nhà người ta không thể không cúi đầu”.
Tác giả bình luận, ở Việt Nam, công an bị người ta ghét không khác gì… ghét Trung Quốc.
Nghĩa là, cứ trông thấy là ghét, nghe nhắc đã thấy ghét, ghét toàn bộ, bất cần biết là ai – ghét tập thể, ghét cay ghét đắng vì rất nhiều lý do, và sự ghét này không thể thương lượng. Hơn nữa là, vừa ghét, vừa khinh.
Tác giả nhận xét, khi bắt đầu vào ngành, chắc hẳn, nhiều em sinh viên công an hay công an mới ra trường vẫn ôm ấp nhiều lý tưởng làm người hiệp sĩ bảo vệ nhân dân. Nhưng chỉ cần vập vào thực tế, họ vỡ mộng.
Tác giả dẫn ra hàng loạt các vụ tướng tá ngành công an phải vào tù, vì nhiều lý do, nhiều tội danh, trong đó có cả những hành vi của tội phạm chuyên nghiệp, như: tổ chức đánh bạc, bảo kê đường dây đánh bạc, bảo kê buôn lậu, bán đất quốc phòng, hưởng lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, và nhục nhã hơn là bị bắt vì tội lừa đảo tiền chạy án…
Tác giả cho rằng, có 2 lực lượng khiến người dân khinh ghét công an, đó là cảnh sát giao thông và công an phụ trách hành chính, giấy tờ.
Một trong những nguyên nhân khiến những nhân viên công an tự cho phép mình hách dịch, nhũng nhiễu người dân, đó là tổ chức công việc, phân công lĩnh vực rối rắm, thiếu khoa học, nếu không muốn nói do cố tình ôm vào của ngành công an.
Tác giả châm biếm, vào thế kỷ trước và cho mãi đến gần đây, chiếc hộ khẩu đã giúp đổi đời nhiều thế hệ công an. Không có hộ khẩu thì không được đứng tên nhà đất, không được vào làm các cơ quan Nhà nước, con cái không được đi học trường công… Về bản chất, những hoạt động này không khác mấy những dịch vụ ngân hàng, giáo dục, hay vào quán bar đêm.
Nguyên nhân thứ 2 là bệnh đồng hóa quyền lực của ngành nghề mình đang phục vụ với bản thân, nguyên nhân này khá phổ biến trong những người ở các cơ quan Nhà nước.
Thói quen sừng sộ, to tiếng lấn át người dân, chỉ là biểu hiện rất nhỏ và phổ biến đến nỗi, gần như trở thành thói quen của nhiều công an viên. Ở những không gian có ít sự kiểm soát hơn, đó có thể là hành vi đánh đập, đạp ngã, “giơ chân hơi cao” “gạt tay trúng má” với người dân, thậm chí là những cái chết rất “tình cờ” ở đồn công an.
Tác giả cho rằng, lực lượng vũ trang Việt Nam định nghĩa về mình là lực lượng “Trung với Đảng, hiếu với dân”. Nội hàm “Trung với Đảng” đã có nhiều điều đáng bàn. Thế nhưng ngay cả khi hoàn toàn chấp nhận định nghĩa này, thì với rất nhiều công an – từ lính đến tướng, nó đã bị biến thành “Gian với Đảng, láo với dân”.
Không nói đến việc lợi dụng bộ sắc phục công an để ra oai và làm tiền người dân, doanh nghiệp, cứ cho rằng, cũng có những người công an về bản chất cũng tử tế lắm, chỉ là, trong quá trình hành nghề thì bị ảo giác, hoa mắt về bộ sắc phục đang khoác trên người thôi.
Các công ty bảo vệ tuyển người hay ưu tiên tuyển công an về hưu, bộ đội xuất ngũ. Khi mặc vào bộ đồng phục bảo vệ, đứng mở cửa cho khách ra vào trụ sở các doanh nghiệp, cơ quan, cúi chào kính cẩn mà người ta không buồn cho một cái liếc mắt, không biết các cựu công an viên nghĩ thế nào?
Ý Nhi
>>> Nga tuyển mộ một cựu chiến binh IS như thế nào
>>> Xách mai thúy được tha, tập mô tô thì tóm. Ngọc Trinh bị Tướng Nam biến thành “chân dài oan”!
>>> Hãng xe điện hấp hối, dùng thuốc ông Vượng, chuyển sang “từ trần”
>>> Quốc hội Việt Nam đã đánh mất vai trò cơ quan lập pháp theo hiến định như thế nào?
Quy trình nhân sự của Đảng