Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được xem là một người “ưu tú” của thế lực chính trị tỉnh Quảng Nam. Ông Phúc là nhân vật lãnh đạo cao nhất của tỉnh này tại Trung ương, tính cho đến nay.
Khi ông Phúc còn tại chức, thế lực chính trị Quảng Nam hưởng lợi không ít. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, ông Phúc đã ngã ngựa và nhóm lợi ích Quảng Nam mất đi một đầu tàu mạnh của tỉnh.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng hất ngã Nguyễn Xuân Phúc, thì điều đấy cũng có nghĩa là, ông Trọng đang tước mất cơ hội vươn vai của nhóm lợi ích Quảng Nam. Đến nay, nhóm Quảng Nam hoàn toàn lép vế trước các nhóm Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa, tại Trung ương.
Có thể nói, đối với nhóm lợi ích Quảng Nam, ông Tổng là “tội đồ”, tuy nhiên, quyền lực của ông Tổng lớn quá, nên chẳng ai có thể làm gì được.
Nói về nhân sự cấp tỉnh, thì chức bí thư tỉnh ủy là do Bộ Chính trị quản lý và bổ nhiệm, chức chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, là do Ban Bí thư quyết định. Còn phó chủ tịch tỉnh và các giám đốc sở, là do ban thường vụ đảng ủy tỉnh quyết định. Mà người đứng đầu ban thường vụ đảng ủy tỉnh, chính là bí thư tỉnh ủy.
Bí thư Đảng ủy tỉnh Quảng Nam hiện nay là ông Phan Việt Cường. Được biết, ông này tiến lên ghế Bí thư Tỉnh ủy vào năm 2019, cũng nhờ không ít vào bàn tay sắp xếp của ông Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị – Thủ tướng Chính phủ. Với tư cách là nhân vật thứ 3 trong Bộ Chính trị, ông Phúc đã tác động để đưa ông Cường vào ghế Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Ông Cường nắm chức Bí thư Tỉnh ủy, kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa thì cơ hội ra Trung ương của ông Cường cũng mịt mù.
Mới đây, báo chí xới lại trường hợp bất thường của ông Trần Văn Tân. Dù ông Tân bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên 6 năm tù, trong vụ án chuyến bay giải cứu. Tuy nhiên, điều trớ trêu là, ông Trần Văn Tân vẫn chưa bị bãi nhiệm chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Nghĩa là, mặc dù ngồi tù, nhưng về danh nghĩa, ông Tân vẫn có thể điều hành công việc ở Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Được biết, ông Trần Văn Tân đang có đơn kiến nghị xem xét lại bản án.
Thực ra, ông Trần Văn Tân không thuộc diện quản lý của Ban Bí thư, ông Tân thuộc diện quản lý của ông Phan Việt Cường – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và là người đứng đầu Ban Thường vụ Đảng ủy tỉnh.
Việc không cách chức ông Tân và không khai trừ Đảng đối với ông Phó Chủ tịch tỉnh này, được xem như là thái độ bất tuân của ông Bí thư Tỉnh ủy đối với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Xem như, sân sau của ông cựu Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng đang tỏ ra “cứng đầu” trước thế lực đã từng truất phế ông.
Ngày 26/12/2018, tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, ông Nguyễn Phú Trọng cho loại Tất Thành Cang ra khỏi Trung ương Đảng. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố HCM vẫn cứng đầu, vẫn giữ chức Thành ủy viên cho ông này. Và Tất Thành Cang vẫn cứ nhởn nhơ.
Thậm chí, đến ngày 30/3/2019, tại Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông Tất Thành Cang vẫn được phân công làm Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP HCM”, vì cho rằng, ông Cang vẫn còn Thành ủy viên.
Đây được xem là hành động thách thức của nhóm lợi ích TP HCM đối với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cho đến khi ông Nguyễn Phú Trọng đưa Nguyễn Văn Nên về nắm chức Bí thư Thành ủy, ngày 17/10/2020, thì sau đó, Tất Thành Cang bị bắt ngày 16/12/2020.
Không biết, ông Trọng sẽ làm gì với nhóm “quyền lực địa phương” đang muốn bất tuân đối với ông? Hãy chờ xem. Rất khó để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam giữ mãi chức vụ cho ông Trần Văn Tân, bởi bản án đối với ông Tân dài hơn nhiệm kỳ của ông. Và qua đây cũng cho thấy, trong Đảng Cộng sản cũng đang có mầm mống muốn chống lại Trung ương.
Ý Nhi – Thoibao.de