Link Video: https://youtu.be/hPkP0-F_pFI
Ngày 5/10, báo Tiếng Dân có bài bình luận “Có nên dẹp bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh?” của tác giả Thái Hạo.
Tác giả cho biết, chủ trương thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh ban đầu là với mục đích tích cực và tốt đẹp, gắn với những trách nhiệm giáo dục quan trọng đối với học sinh. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng, đến nay, nó đã biến tướng gần như hoàn toàn.
Tác giả phân tích như sau:
1. Ban đại diện cha mẹ học sinh là một tổ chức độc lập và tự chủ trong nhà trường, do chính phụ huynh cử ra. Quy trình là, đầu năm cha mẹ học sinh mỗi lớp sẽ họp, bầu ra ban đại diện lớp; sau đó các ban này tiếp tục họp với nhau để bầu ra ban đại diện trường.
Tuy nhiên, nay hầu hết các nhà trường đều làm ngược lại: đầu năm, nhà trường sẽ họp ban đại diện các lớp, phổ biến những nội dung mà trong đó trọng tâm là thu chi; sau đó cái ban này sẽ về lớp của mình, triển khai lại cho toàn thể phụ huynh.
Tác giả nhận xét, đây là một quy trình ngược, trái hẳn với nguyên tắc đã được quy định. Lưu ý, ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là tổ chức do nhà trường lập ra, mà là do chính phụ huynh thành lập, để hoạt động và phối hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường.
2. Nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ không phải là “thu hộ”. Chính vì điều này mà thông tư 55 mới quy định những khoản tiền mà ban đại diện không được thu. Họ chỉ được thu một khoản duy nhất, là tiền quỹ của chính cái ban này, do phụ huynh mỗi lớp tự thỏa thuận mức đóng và phân bổ sử dụng cho hoạt động của lớp mình.
Tóm lại, tác giả khẳng định, ban đại diện cha mẹ học sinh hoàn toàn không dính dáng gì đến tiền bạc, tài chính trong nhà trường cả. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, cái ban này chủ yếu là đi thu tiền hoặc làm “thuyết khách” cho nhà trường trong việc thu tiền, thậm chí là làm “chim mồi”.
Cũng bởi sự biến tướng này nên mới có câu chuyện kinh khủng xảy ra ở trường Trung học Phổ thông Lạc Long Quân (Hà Nội), khi một Trưởng Ban đại diện của một lớp, vì phát biểu ý kiến trong nhóm zalo lớp mình, mà dẫn đến việc con gái đã bị nhà trường đuổi học.
Tác giả nhận định, hành động của trường Lạc Long Quân là một điển hình cho động cơ thiết lập một “ban đại diện tay sai”. Những ai mà họ không vừa lòng hay không sai bảo được, thì họ quyết gạt ra, để thay người khác vào. Và ai ý kiến thì gặp rắc rối, như cha con vị phụ huynh đã nhắc ở trên.
Tác giả nêu câu hỏi: Có nên tồn tại nữa không cái ban đại diện cha mẹ học sinh như thế?
3. Giáo dục là trách nhiệm, không phải chỉ giao phó cho nhà trường, mà đó còn là sứ mệnh chung của cả gia đình, xã hội, cho nên, một cái ban đại diện là cần và hữu ích.
Tác giả phân tích, để xảy ra tình trạng đại loạn như bây giờ, trách nhiệm thuộc về các cấp quản lý, vì đã thả nổi và dung túng cho các nhà trường làm bậy. Người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc này là Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp dưới của họ, vì đây thuộc về trách nhiệm quản lý đã được quy định.
Để ngăn chặn tình trạng xây dựng những “ban đại diện cha mẹ tay sai”, thì các cấp nói trên phải giám sát, kiểm tra và xử lý thẳng tay các cơ sở giáo dục vi phạm trong tất cả các vấn đề có liên quan.
Các cơ quan quản lý nói trên phải phổ biến cho toàn thể phụ huynh hiểu rõ về bản chất của tổ chức này trong nhà trường.
Sau cùng, theo tác giả, nếu các cấp quản lý xét thấy mình không làm được như đã nêu, để lại tiếp tục duy trì tình trạng bát nháo như bây giờ, thì nên kiên quyết dẹp bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Xuân Hưng
>>> Lãnh đạo Việt Nam hay mơ ước viển vông
>>> Kênh đào Funan ở Campuchia có thể làm khô kiệt Đồng bằng sông Cửu Long
>>> Chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên án vụ thi hành án đối với Lê Văn Mạnh
>>> Ông Thưởng không ngoa ngôn
Mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam sắp được khai thác