Thành lập Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Bộ Công an lại tiếp tục “bịt miệng” các ý kiến khác biệt?

 

Tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam hình sự hóa quyền tự do ngôn luận của công dân đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, bất chấp Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình theo pháp luật quy định”.

Ở Việt Nam chỉ tồn tại duy nhất một hệ thống truyền thông do nhà nước kiểm soát và quản lý. Còn hệ thống báo chí, xuất bản tự do của các cá nhân hay các tổ chức xã hội dân sự, bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, đàn áp và triệt hạ thẳng tay. Việc Việt Nam thường xuyên bị bị xếp hạng gần cuối bảng về tự do báo chí, là những minh chứng rõ ràng nhất. Mới nhất, “Việt Nam xếp gần cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2022”.

Việc nhà văn Tạ Duy Anh – Facebooker Lao Ta mới đây đã bị đình chỉ tài khoản trên mạng xã hội Facebook, với lý do, nhà văn này can đảm dám nói lên sự thật, là một minh chứng nữa.

Đó là kết quả sau nhiều năm Việt Nam dùng luật lệ và chính sách thuế khóa để ép buộc các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok… phải kiểm duyệt nội dung bị nhà nước coi là “xấu, độc”. Và con số những tài khoản cá nhân bị vô hiệu hóa trên mạng xã hội Facebook, YouTube đang gia tăng.

Mới nhất, ngày 8/9, truyền thông nhà nước đưa tin, nhà nước đã quyết định thành lập Hiệp hội An ninh mạng, với mục đích ngăn chặn “kẻ xấu hạ uy tín lãnh đạo Đảng” . Ông Lương Tam Quang, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hiệp hội.

Phát biểu tại lễ ra mắt Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, một trong những lý do thành lập cơ quan này, là để ngăn chặn “một số trường hợp, kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, hoặc kích động biểu tình, chống phá”. Theo phát biểu của ông Tô Lâm, ngoài việc ngăn “kẻ xấu hạ uy tín lãnh đạo Đảng”, Hiệp hội An ninh mạng Quốch gia còn được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền mạng, kiểm soát không gian mạng, làm chủ dịch vụ phát triển nhu liệu. Theo đó, “Hiệp hội sẽ đóng vai trò như tấm khiên bảo vệ an ninh, lợi ích, chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng. Hiệp hội sẽ kiến tạo nền an ninh mạng Việt Nam, hình thành thị trường an ninh mạng có giá trị cao trên bản đồ quốc tế, tạo các tập đoàn, công ty về an ninh mạng mạnh, được thế giới công nhận.”

Theo giới quan sát, việc chính quyền Việt Nam thành lập Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia diễn ra trong bối cảnh nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát, buộc các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube TikTok… gỡ bỏ những bài đăng, video clip “xấu độc”, nghĩa là họ muốn “bịt miệng” các ý kiến khác biệt, không tuân thủ theo sự chỉ đạo của Đảng.

VietNamnet dẫn báo cáo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử ngày 30/6 cho biết, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023, đã tiến hành “ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt tỉ lệ cao nhất từ trước tới nay”. Theo đó, Facebook gỡ bỏ “2,549 bài viết, 12 tài khoản”, trong khi YouTube “gỡ 6,101 video, 7 kênh,” còn TikTok “gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản”. Với lý do “vi phạm quy tắc cộng đồng” hay các quy định quản lý của nhà nước.

Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên tố cáo, các tổ chức do nhà nước Việt Nam thành lập, gồm các lực lượng “dư luận viên” và “Lực lượng 47”, mà họ gọi là “tác chiến mạng”, thường xuyên làm nhiệm vụ báo cáo cho các mạng xã hội YouTube, Facebook, để vô hiệu hóa các trang cá nhân thuộc thành phần “phản động” và “thế lực thù địch”.

Và tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và nhiều cá nhân, tổ chức bảo vệ nhân quyền trong và ngoài nước, nhiều lần từng cáo buộc các công ty Google, Facebook đã “đầu hàng”, làm ngược lại nguyên tắc tự do thông tin và chiều theo đòi hỏi của chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội. Như vậy, Google, Facebook đã tiếp tay cho chính quyền Việt Nam, vô hiệu hóa “quyền tự do ngôn luận” của người dân.

Cách đây 78 năm, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946, đã thông qua Hiến pháp, trong đó, Điều 10 hiến định rõ:  “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Trong Luật Tiếp cận Thông tin và Luật Báo chí được Quốc hội Việt Nam ban hành năm 2016, có những quy định cụ thể để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân. Điều 11 Luật Báo chí 2016 quy định rõ, “công dân Việt Nam được quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.

Mặc dù vậy, nhưng trên thực tế cho thấy, quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam đã bị giới hạn và ngày càng bị siết chặt. Công dân Việt Nam không được ngôn luận tự do và không được thực hiện quyền tự do biểu đạt.

Bản chất của quyền tự do ngôn luận là phải để cho người dân có quyền tự do bày tỏ chính kiến, nói như ông Hồ Chí Minh, đại ý là, “Dân chủ là làm cho người dân được mở miệng” và “Nếu Chính phủ làm không tốt, thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Thế nhưng, rõ ràng, quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam hiện nay được hiểu rằng, chỉ được sử dụng để ca ngợi Đảng và chính quyền theo định hướng.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nếu ai lạm dụng để xâm phạm lợi ích của các cá nhân hay tổ chức, thì sẽ được điều chỉnh bằng Luật Dân sự, chứ không thể tùy tiện hình sự hóa như ở Việt Nam hiện nay.

Bằng việc siết chặt và gia tăng các biện pháp quản lý, rõ ràng, chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do biểu đạt của người dân, được hiến định trong Hiến pháp./.

Trà My – Thoibao.de