Lâu nay, giới phân tích kinh tế tài chính thế giới có quan điểm chung gần như tuyệt đối, về đánh giá những thành tựu phát triển đáng kinh ngạc của kinh tế Trung quốc, sau gần 40 năm. Mà thể chế chính trị độc đảng ở Trung quốc được xem là một lợi thế.
Năm 1978, Trung Quốc áp dụng phương châm thực dụng của Đặng Tiểu Bình: “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Với phương châm thực dụng này của họ Đặng, đất nước Trung quốc dường như được thổi vào một luồng sinh khí mới.
Chỉ sau gần 30 năm, từ một quốc gia nghèo đói, ăn không đủ, vậy mà, Trung quốc đã vươn lên nhanh chóng và trở thành một cường quốc kinh tế, bám sát nền kinh tế của Hoa kỳ. Mức độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, liên tiếp trong nhiều chục năm, luôn ở mức 9% mỗi năm. Nhiều năm có thành tích tăng trưởng ở mức hai con số. Điều đó đã thay đổi nhanh chóng bộ mặt và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Thậm chí, cách đây chưa lâu, nhiều chuyên gia kinh tế danh tiếng vẫn lạc quan đánh giá, kinh tế Trung Quốc đang đuổi kịp, thậm chí sẽ vượt Mỹ.
Vậy mà, The Economist ngày 24/8 có bài bình luận: “Tại sao nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể phục hồi?”, khi cho rằng, “Một chính quyền [Trung quốc] – ngày càng chuyên quyền độc đoán, đang phạm phải những sai lầm nghiêm trọng?”
Bài viết đưa ra một kết luận đáng ngạc nhiên, khác hẳn so với những đánh giá của giới think tank lâu nay. Bởi lâu nay, người ta vẫn cho rằng, thể chế chính trị độc đảng và sự chuyên quyền của chính quyền Trung Quốc là một lợi thế, thậm chí, là một nhân tố quyết định không thể thiếu, trong sự thành công của kinh tế đại lục từ năm 1979 đến nay.
Cũng bởi, từ sau khi Bắc kinh quyết định đưa Trung Quốc hội nhập với nền kinh tế thế giới vào năm 1978, ngay sau đó không lâu, Trung quốc đã trở thành câu chuyện huyền thoại. Bởi sự tăng trưởng ngoạn mục nhất trong lịch sử, đã đưa gần 800 triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo. Vào thời điểm năm 1980, sức sản xuất của Trung quốc chỉ bằng 1/10 so với Mỹ. Vậy mà, vào năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc đã có quy mô tương đương với ¾ kinh tế Hoa kỳ.
Nhưng giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc đang có những chỉ dấu đáng báo động.
Theo The Economist, vào cuối năm 2022, sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã quyết định từ bỏ chính sách “Zero-Covid” mà Bắc Kinh vẫn kiên trì theo đuổi từ khi bùng dịch. Vì họ nhận ra, đó chính là nguyên nhân khiến cho việc chống dịch thất bại. Tuy nhiên, đáng lẽ, kinh tế Trung Quốc quay trở lại con đường tăng trưởng như trước đó, thì nay, mọi chuyện đã khác xưa.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm, ước tính sau quý 2/2023, chỉ còn 3,2%. Đây là con số gây bất ngờ và là nỗi thất vọng to lớn cho Đảng Cộng sản Trung quốc.
Cụ thể, “Chi tiêu của giới tiêu thụ, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu đều giảm. Và trong khi, phần lớn thế giới phải chống chọi với tình trạng lạm phát quá cao, thì Trung Quốc gặp phải vấn đề ngược lại với thế giới, là giảm phát.”
Một số chuyên gia kinh tế thế giới đã đưa ra cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc để tình trạng giảm phát kéo dài, sẽ làm cho nền kinh tế Trung Quốc sẽ thụt lùi, và tăng trưởng âm. Trung Quốc đã và đang phải chịu nhiều vấn đề sâu sắc hơn các vấn đề liên quan đến các quy luật kinh tế thường thấy. Mà nguyên nhân của nhiều thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, xuất phát từ việc hoạch định chính sách kinh tế đang trở nên tồi tệ hơn, sau khi ông Tập Cận Bình theo đuổi chính sách tập trung mọi quyền lực, theo lối tập quyền độc đoán.
Điều đó thể hiện trong đại dịch Covid-19, Trung quốc kiên định với chính sách chống dịch độc đoán – “Zero-Covid”. Sự trái quy luật cũng là một trong những tác nhân ảnh hưởng lớn với nền kinh tế nước này.
Giới phân tích còn chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy, ông Tập Cận Bình tin rằng, Trung Quốc phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kinh tế, và rất có thể là cả quân sự, kéo dài với Hoa Kỳ. Đó là lý do, trước, trong và sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung quốc lần thứ XX, ông Tập Cận Bình đã tập trung mọi quyền lực vào tay cá nhân mình, và thay thế các nhà kỹ trị bằng những người kém năng lực hơn, nhưng trung thành hơn với chế độ, cũng như với cá nhân ông ta.
Vẫn theo The Economis, các lãnh đạo phương Tây lâu nay tin rằng, kinh tế Trung Quốc phát triển sẽ kéo theo và sẽ thúc đẩy giá trị dân chủ, cũng như quyền tự do cá nhân ở nước này. Nhưng trên thực tế, nó không phải như người ta đã lầm tưởng.
Câu hỏi “Liệu chế độ chuyên chế độc đoán có gây thiệt hại cho nền kinh tế hay không?”
Với Trung Quốc, câu trả lời chắc chắn là “có”! Rõ ràng, sau bốn thập kỷ tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc đang bước vào thời kỳ suy giảm.
Tương tự ở Việt Nam, với xu thế kinh tế tăng trưởng thì chính quyền Hà Nội càng siết chặt các quyền tự do cá nhân, cấm đoán các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Bất chấp quy luật của các quốc gia phát triển phải đặt trên 3 trụ cột chính: nhà nước pháp quyền; kinh tế thị trường hoàn chỉnh và sự hoạt động rộng khắp của các tổ chức xã hội dân sự.
Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay, chính quyền đã và đang trấn áp, triệt hạ thẳng tay các cá nhân, các tổ chức xã hội dân sự đang nỗ lực thúc đẩy cho sự phát triển đất nước. Việc hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực môi trường bị đóng cửa, lãnh đạo các tổ chức này bị khởi tố, bị bắt giam, với tội danh ngụy tạo – “trốn thuế” – là bằng chứng. Cùng với việc nhà nước cảnh sát ở Việt Nam đàn áp không khoan nhượng đối với hàng loạt người lên tiếng, hay đấu tranh cho vấn đề dân chủ nhân quyền. Họ đã bị bắt giam, bị truy tố những bản án nhiều năm tù, theo các điều luật mập mờ như 331, 117 của Bộ luật Hình sự năm 2013.
Điều đó cho thấy, chính quyền Hà Nội đang dùng quyền lực của Đảng, để xóa bỏ sự cởi mở vốn dĩ đã rất ít ỏi trước đây, để gia tăng sự độc tài toàn trị ở Việt Nam. Họ hãy nhìn sang Trung Quốc để rút ra bài học, vẫn còn chưa muộn./.
Trà My – Thoibao.de