Những hoạt động thực sự của quá trình xét xử vụ án chuyến bay giải cứu nằm ở đằng sau cánh gà, chứ không phải công khai trước tòa.
Những gì đã diễn ra tại tòa, rồi được báo chí mô tả lại chi tiết, cho thấy, nó như một tấn hài kịch. Dự định phiên xử diễn ra trong 30 ngày, nhưng chỉ mới được có hơn 10 ngày, thì các diễn viên đã hết bài để diễn, nên tòa đành kết thúc sớm. Hơn nữa, thời gian xét xử phụ thuộc vào những cuộc ngã giá nhanh hay chậm. Khi đang trong quá trình thương lượng, thì không ai lường trước được thời gian, có thể kết thúc sớm và cũng có thể kết thúc muộn.
Xin nói trước với quý khán thính giả rằng, đây là thông tin riêng mà chúng tôi có được, từ nguồn tin bên trong cung cấp. Chúng tôi đưa lại những thông tin này cho mọi người biết, còn độ chính xác đến đâu thì rất khó kiểm chứng. Chỉ có thể kiểm chứng phần nào, dựa vào những kết quả đã công khai trên truyền thông nhà nước. Còn những diễn biến đằng sau phiên tòa, thì chỉ có một ít người biết mà thôi. Tin hay không là tùy ở sự lựa chọn của mỗi người.
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, việc ngã giá bản án nào cũng nhanh, chỉ riêng vụ ngã giá cho án của Phạm Trung Kiên là lâu hơn. Tuy nhiên, đến khi kết thúc phiên tòa, thì Phạm Trung Kiên cũng được thoát án tử. Đấy là kết quả không đến nỗi tồi đối với ông Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Theo nguồn tin riêng chúng tôi có được, thì việc chạy án của ông Tuyên không giống những trường hợp khác. Ông Đỗ Xuân Tuyên không rải đều tiền cho cả 3 cơ quan tố tụng, là Cảnh sát Điều tra, Tòa án và Viện Kiểm sát, mà ông chỉ bơm vào một nơi, đấy là Bộ Công an. Kiểu chạy án này được giới chạy án gọi là “giao thầu”, Đỗ Xuân Tuyên đã giao cho nhóm Hưng Yên trong Bộ Công an thầu hết.
Thông tin từ bên trong phân tích rằng, việc giao thầu cho Bộ Công an, rồi Công an phân phối lại lợi ích cho Tòa án và Viện Kiểm sát, là cách làm tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, khi bên Công an họ yêu cầu nhận thầu chạy án, thì không thể không tin tưởng. Với lại, đồng hương Hưng Yên của ông Đỗ Xuân Tuyên toàn là những nhân vật tai to mặt lớn trong Bộ Công an, không lẽ họ lại ăn chặn?
Tuy nhiên, việc bị Viện Kiểm sát gây áp lực đối với Phạm Trung Kiên, mục đích cho lòi ra Đỗ Xuân Tuyên, thì cũng có thể hiểu rằng, bên Công an đã nhận thầu nhưng lại ăn một mình, không chịu chia lại cho Viện Kiểm sát và Tòa án. Kết quả, Phạm Trung Kiên được đưa về mức án “chung thân” ở những phút cuối của phiên tòa, được cho là do phe Đỗ Xuân Tuyên đã “chạy nóng”.
Tiếp theo, trong phiên xử lượt về (tức là phiên phúc thẩm) thì phe Đỗ Xuân Tuyên phải tiếp tục chạy cho Phạm Trung Kiên án thấp nhất có thể. Nếu không làm được điều đó, Đỗ Xuân Tuyên có thể vẫn gặp nguy khốn.
Vụ chạy án của Đỗ Xuân Tuyên chỉ là hình mẫu về loại giao thầu cho Công an, để lo liệu hết các cơ quan còn lại. Thời buổi quan chức tranh nhau giành ăn, họ bất chấp đạo đức, họ sẵn sàng làm việc ác với đồng bào để cạy cho ra tiền, mà khi chạy án lại giao hết cục tiền cho Công an, thì rất khó hiệu quả. Đây là bài học cho những người muốn chạy án. Muốn chạy án hiệu quả thì phải tự tay chạy cả 3 cơ quan tố tụng, chứ không nên giao riêng cho cơ quan nào nhận thầu. Quan chức ngày nay thấy tiền mắt sáng rỡ, nên đừng tin tưởng ai. Trường hợp ông Đỗ Hữu Ca ẵm 35 tỷ đồng để thầu chạy án, rồi lại một mình ôm hết, là bài học nhãn tiền cho cái bản chất của các tướng Công an.
Vụ xử án lượt về là dịp để tòa án và viện kiểm sát kiếm ăn. 4 án chung thân sẽ phải đút tiền mạnh cho 2 cơ quan này, để nhận những bản án có thời hạn. Tuy nhiên, theo đánh giá của người trong cuộc là, lượt về có thể có phim hay. Bởi khi tòa án và viện kiểm sát ăn tiền, thì bên công an sẽ rình bắt. Nếu không cẩn thận, thì sẽ có em dính vào tội chạy án như Hoàng Văn Hưng và Nguyễn Anh Tuấn.
Thu Phương – (Tổng hợp)