Nói đến sự thối nát của ngành giáo dục là nói đến bàn tay lông lá của Đảng Cộng sản, bởi chưa có thời nào mà giáo dục thối nát như thời kỳ này. Cử nhân tốt nghiệp xong làm tài xế xe ôm công nghệ, chứ không biết làm gì khác. Những cử nhân đang học hành thì mất phương hướng, mất động lực, không muốn học.
Nhìn vào chính sách của Đảng Cộng sản dành cho giáo dục, nếu là người có tâm, không ai không chạnh lòng trước thực trạng như hiện nay. Chất lượng đào tạo của nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa rất thấp. Kỹ năng mềm bằng không, kỹ năng chuyên môn thì vênh với thực tế. Hầu hết các cử nhân khi tốt nghiệp ra trường đều phải vứt hầu hết các kiến thức phi thực tế, để thích nghi lại từ đầu.
Mới đây, Bộ Công an xác định ông Phan Khắc Nghệ – Phó Hiệu trưởng Trường chuyên Hà Tĩnh, người ôn thi môn sinh trên Youtube, đã thông đồng với bà Phạm Thị My, cựu giáo viên Khoa Sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội, để lấy thông tin đề thi.
Được biết, bà Phạm Thị My (sinh năm 1963) và ông Bùi Văn Sâm (sinh năm 1949), cùng cựu giáo viên Khoa Sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội, dự kiến sẽ bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vào ngày 29/6.
Cũng được biết, sau khi kỳ thi tốt nghiệp năm 2021, báo chí, dư luận phản ánh, đề thi môn Sinh học giống đến 80% so với đề ôn tập trên mạng Internet của ông Phan Khắc Nghệ. Sau đó, Cục An ninh điều tra Bộ Công an đã phối hợp vào cuộc điều tra và phanh phui ra tiêu cực.
Giáo dục Cộng sản thường treo khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”, nghĩa là môi trường giáo dục Việt Nam đề cao học nhân cách trước khi học chữ. Tuy nhiên, với nhân cách của những người thầy như thế thì làm sao dạy nhân cách cho học sinh đây? Mà câu chuyện lộ đề thi, câu chuyện buôn bán đề thi đâu phải là chuyện hiếm? Năm nào cũng thế, quan trọng là công an có vào cuộc hay không mà thôi. Nói như ông cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì, “bắt hết lấy ai làm việc” thôi. Thực ra mà nói, để học sinh Việt Nam có được nhân cách tốt, thì chính học sinh ấy phải chiến đấu với nghịch cảnh rất nhiều, chứ thực tế, ngay trong môi trường giáo dục thì gương xấu đầy rẫy.
Hiện nay, đang có phong trào học sinh giỏi không mặn mà với giảng đường đại học. Họ bỏ học đại học để đi xuất khẩu lao động, vì có tương lai hơn. Đi một năm lao động xuất khẩu, bằng 10 năm lao động với tấm bằng cử nhân trong tay.
Theo như báo chí trong nước cho biết, trước đây, nhiều phụ huynh ở vùng quê Hà Tĩnh vẫn luôn nghĩ, dù vất vả thế nào cũng cho con đi học đại học. Bởi con vào được đại học là niềm tự hào của gia đình, cả dòng họ và đó là con đường duy nhất để thoát nghèo. Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên ra trường, thậm chí, cầm trong tay tấm bằng “đỏ” vẫn không xin được việc làm, nhiều em chật vật kiếm được việc làm nhưng lại không đúng chuyên ngành. Hoặc nếu có việc nhưng với đồng lương bèo bọt không đủ trang trải cuộc sống, nên phụ huynh, thậm chí là chính các em học sinh giỏi đã dần thay đổi tư tưởng, từ chối vào đại học, chọn con đường xuất khẩu lao động.
Một nền kinh tế chưa lớn đã già. Đất nước Việt Nam đang ở tầm rất thấp so với mức trung bình của thế giới, ấy vậy mà dân số Việt Nam đã già đi, nên cơ hội phát triển cũng khép lại. Những bài báo tung hô thành tích lãnh đạo của Đảng vẫn đều đều tung ra, nhưng thực tế vẫn là thực tế. Đời sống người dân vô cùng ngột ngạt và cơ hội cho người lao động bị hẹp dần, cho dù đó là những người đã được đào tạo bài bản.
Tất cả những gì đang diễn ra trước mắt thể hiện bức tranh của xã hội, trong đó có bức tranh của nền giáo dục. Nền giáo dục bao năm nằm dưới bàn tay Cộng sản, nó đã quá nát không còn cách chữa.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: